Công kích ở độ cao 18 km
Cuối năm 1965, Không quân Việt Nam được trang bị thêm máy bay đánh chặn MIG 21. Đây là loại máy bay hiện đại lúc bấy giờ. Ngoài súng 23 ly, trên máy bay còn được trang bị tên lửa không đối không. So với các loại máy bay mà Mỹ dùng để đánh phá miền Bắc, MIG 21 được xem là ngang sức ngang tài.
Ông Nhị kể, vào thời điểm này, máy bay trinh sát điện tử không người lái hoạt động ở miền Bắc rất nhiều để chụp ảnh các trận địa của ta và các mục tiêu chúng định ném bom. Do hoạt động ở độ cao trên 20 km nên cho đến thời điểm này, pháo phòng không và máy bay MIG 17 chưa thể bắn hạ được các máy bay trinh sát.
Sáng 4.4.1966, máy bay trinh sát Mỹ lại hoạt động ở tuyến quốc lộ từ Hà Nội đi Cao Bằng. Được lệnh cất cánh, phi công Nguyễn Hồng Nhị hạ quyết tâm đã xuất kích là phải tiêu diệt máy bay địch để tạo khí thế cho đơn vị. Hơn nữa ông lại là người đầu tiên sử dụng MIG 21 chiến đấu. Được Sở chỉ huy mặt đất dẫn đường, ông rất hồi hộp và tự đặt ra hàng loạt câu hỏi: Làm thế nào để phát hiện mục tiêu? Bắn ở cự ly nào cho hiệu quả?...
Từ một phi công chiến đấu, ông Nhị lần lượt qua các chức vụ Trung đoàn trưởng 927, sau đó là Sư đoàn phó 371. Năm 1975 ông về làm Sư đoàn trưởng 372. Năm 1985 được phong Thiếu tướng, Sư trưởng 370. Năm 1987 làm Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Không quân. Năm 1989 sang làm Tổng cục trưởng Hàng không dân dụng. Ông về nghỉ hưu năm 1988. |
Bay đến độ cao hơn 16 km, ông dùng mắt thường quan sát vì ra-đa của máy bay do bị gây nhiễu dày đặc hầu như bị tê liệt. Đến độ cao 18 km, ông phát hiện mục tiêu và xin lệnh công kích. Được cho phép, ông cho MIG 21 của mình bám đuôi và dùng ra-đa trên máy bay để đo cự ly. Khi máy bay địch đã ở trong vòng ngắm, ông liền phóng một quả tên lửa, chiếc máy bay bốc cháy. Để chắc ăn, ông phóng thêm một quả tên lửa nữa, chiếc máy bay của Mỹ tan tành. Từ khi cất cánh đến khi trở về là hơn 20 phút.
Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi rất vui sướng, muốn hét lên thật to vì đây là trận đánh rất quan trọng. Lần đầu tiên MIG 21 của ta bắn rơi máy bay địch”.
Đánh nhanh và “trốn” nhanh
Ông Nhị bảo cuộc đời của ông gặp nhiều may mắn. Ông là người chỉ huy thử nghiệm cách đánh biên đội 3 người đầu tiên của máy bay MIG 21. Đó là lần biên đội gồm ông bay số 1, các số 2 và 3 là phi công Vũ Ngọc Đĩnh, Nguyễn Đăng Kính. MIG 21 trước đó thường đi đánh theo biên đội 2 và 4 chiếc. Ông đã thử nghiệm biên đội 3 chiếc để đối phó với đội hình máy bay dài lê thê của địch. Nếu 4 chiếc thì nhiều quá, còn 2 chiếc thì thiếu một người quan sát phía sau. Với cách đánh mới biên đội 3 chiếc, số 1 là chủ công, số 2 bảo vệ cánh trái, số 3 bảo vệ cánh phải. Được lệnh cất cánh, ông cho biên đội bay vút lên lấy độ cao. Sở chỉ huy mặt đất cho ông biết, máy bay Mỹ đang vào phía bắc Hà Nội. Từ trên cao ông phát hiện 7 tốp máy bay địch, mỗi tốp 4 chiếc, toàn loại F105 mang bom, phía sau còn mấy tốp F4 nữa. Lúc đó, ông nghĩ trong đầu phải phá đội hình máy bay F4 làm cho chúng rối loạn để tập trung tiêu diệt bọn mang bom. Nghĩ thế, ông phóng 1 quả tên lửa vào các máy bay F4. Phát hiện có MIG 21, F4 liền vòng lại. Chỉ chờ có thế, ông lệnh cho toàn biên đội bay vượt lên để đánh F105. Đến nơi, ông hạ lệnh công kích. Bằng 1 quả tên lửa, chiếc F105 nổ tung. Lần lượt số 2 và số 3 bắn rơi thêm 2 chiếc nữa rồi nhanh chóng thoát ly quay về tránh sự truy đuổi của F4. Sau trận thắng này, cấp trên nhận định là cách đánh mới, đánh nhanh thọc sâu vào đội hình địch và nhanh chóng thoát ly trở về an toàn.
Bắn rơi 8 máy bay của địch, ông Nhị cũng đã nhiều lần dính tên lửa của phi công Mỹ. Tại vùng trời Cao Bằng, trong một trận đánh, ông đã bị tên lửa của máy bay Mỹ bắn trúng và kịp bung dù. Vì nói giọng miền Nam, ông bị dân quân nghi là phi công của quân đội Sài Gòn và bị bắt giữ. Mãi đến tối, sau khi có điện thoại của quân chủng, ông mới được minh oan và trở về trong vòng tay đồng đội.
Tấn Tú
Bình luận (0)