Oằn mình chống lũ

24/09/2011 10:07 GMT+7

(TNO) Nước lũ đầu nguồn lên nhanh, lưu tốc và áp lực dòng chảy lớn đã và đang đe dọa đến hàng trăm ngàn ha lúa vụ ba ở An Giang, Đồng Tháp.

Đồng Tháp: Vỡ đê, mất trắng 200 ha lúa

Khoảng 4 giờ sáng 23.9, đê bao chống lũ bảo vệ hàng trăm ha lúa vụ ba tại ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự đã bị nước lũ đánh sập một đoạn dài 40m. Nước từ sông Sở Hạ chảy băng băng vào ruộng lúa, nhấn chìm mọi thứ.

Ngay khi vỡ đê, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng đưa phương tiện vào ứng cứu nhưng bất lực trước dòng nước lũ.

Mới hôm qua, cả cánh đồng rộng 200 ha này lúa còn đang xanh tốt, vậy mà chỉ sau một đêm, đã bị nước phủ trắng xóa, ước thiệt hại lên đến 6 tỉ đồng.

Nông dân Nguyễn Văn Lức nói: “Tiêu hết rồi. Đám lúa 60 ngày tuổi của tôi đâu còn đường nào mà cứu, giờ chỉ mong Nhà nước cứu trợ đồng nào hay đồng đó thôi”.

Trước đó, khi mưa dầm liên tục, lũ lên nhanh báo động, UBND thị xã Hồng Ngự đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương nỗ lực tập trung cứu hộ các đoạn đê bao xung yếu ở xã Tân Hội, phường An Lạc.

Nhìn nước lũ lên như nhảy khỏi bờ, mọi người thở dài, gồng sức chống chịu, dặn lòng cầm cự được phút nào hay phút đó.

Hai đêm liên tiếp, nhà nông cùng lực lượng liên ngành túc trực xuyên suốt ở bờ đê xã Tân Hội gia cố từng lỗ mọi, từng vết nứt trên thân đê nhưng nỗ lực đã thua dòng nước.

Chúng tôi có mặt ở điểm nóng trên đoạn đê ở Kinh Tứ Thường (P.An Lạc, thị xã Hồng Ngự). Mực nước lên cao cách thân đê chưa đầy thước, bên trong đê là đám lúa xanh hơn 1 tháng tuổi trải dài mút mắt. Dọc theo bờ đê tiếng máy kobe đóng cừ ầm ầm, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng nhà nông, bộ đội, công an, thanh niên… liên tục í ới gọi nhau khiêng từng cây tràm, bao đất gia cố, hàn lại các đoạn đê bị nứt, bị xì. Chốc chốc lại nghe tiếng hô: “Đoạn này đê hơi yếu, phải gia tăng cừ tràm”.

Mặt ai cũng bơ phờ, nhọc mệt vì căng sức. Trên trời mây đen vần vũ, mưa rơi tí tách. Nhà nông Trần Văn Hai cho biết đã đuối sức nhưng cũng phải ráng chống lũ, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, đám ruộng kia sẽ chìm trong biển nước.

Ông Phan Thanh Tâm, Phó chủ tịch P.An Lạc, lo lắng: “Nước lũ lên nhanh không ngờ, lăm le uy hiếp đê. Từ ngày 21.9, phát hiện 3 vết nứt trên 3 đoạn đê, phường đã kết hợp với UBND thị xã Hồng Ngự kêu gọi người dân, huy động các ban ngành cứu đê”.

Ông Tâm cho biết đoạn đê này dài hơn 15km, bảo vệ gần 600 ha lúa, rau màu cùng các ao nuôi thủy sản.

Ông Tâm nhẩm tính nếu đoạn đê này bị vỡ sẽ gây thiệt hại hàng tỉ đồng và khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh khó khăn về chỗ ở. 

“Bằng mọi giá, địa phương sẽ cầm cự cứu đê, cho người trực 24/24, phát hiện vết nứt nhỏ cũng khắc phục ngay”, ông Tâm kiên quyết.

Tại huyện Tân Hồng, tình trạng đê bao cũng rất căng thẳng vì lũ lên đe dọa cánh đồng lúa ở kinh Cả Mũi, xã Tân Thành A và cánh đồng Cà Vàng, xã Thông Bình.

UBND huyện Tân Hồng đã quyết tâm chống lũ tới cùng, huy động 100 chiến sĩ đang hành quân diễn tập ở Chi Lăng, An Giang cấp tốc về túc trực bảo vệ gia cố các tuyến đê bao. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã tăng cường trên 100 chiến sĩ của tiểu đoàn 502 có mặt ở địa phương ứng cứu bảo vệ và gia cố đê bao.

 
Đoạn đê bị vỡ ở xã Tân Hội vào lúc 4 giờ sáng ngày 23.9

 
Hối hả gia cố đê Kinh Tứ Thường

 
Nước lũ lên nhanh uy hiếp đê Kinh Tứ Thường

 
Người dân, lực lượng cứu hộ hoạt động 24/24 cứu hộ đê Kinh Tứ Thường

An Giang: Lũ “ngoạm” đê bao

Sáng tinh mơ. Trên con đê lớn làm bờ bao chống lũ kênh Tha La đang oằn mình chịu áp lực của dòng nước lũ để bảo vệ hàng ngàn ha lúa vụ ba của 2 xã Vĩnh Tế và Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc (An Giang) đang có hàng chục con người, xáng cẩu hì hục đào đất, đắp đê, đóng cừ tràm. Không khí làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt và căng thẳng.

 

 
Thanh niên ra sức chống lũ ở An Giang

Ông Đỗ Hữu Toàn, Bí thư xã Vĩnh Tế cho biết, hơn 30 anh em công nhân đã phải dồn sức gia cố con đê bao dọc kênh Tha La này hơn nửa tháng nay.

Theo ông Toàn, bờ đê này chạy dài hơn 7km, tính từ khu vực cầu Tha La trở vào, bảo vệ hơn 2.000 ha lúa vụ ba đã xuống giống chừng nửa tháng. Toàn tuyến đê bao này đều bị nước lũ đe dọa với rất nhiều điểm xung yếu cần phải gia cố hết sức khẩn trương. Hiện chênh lệch mực nước trên kênh Tha La và bên trong ruộng lúa đến hơn 3m. Áp lực dòng chảy cộng thêm sức gió vỗ liên tục ngày đêm cứ “ngoạm” dần từ đầu đến cuối con đê.

“Vừa gia cố chỗ này, chấp vá chỗ kia là chỗ nọ bị xì, bị đe dọa. Nước lũ lên nhanh làm toàn tuyến đê bao này đang đứng trước tình trạng hết sức nguy hiểm, không “cứu” kịp thì nguy cơ vỡ đê là khó tránh”, ông Tuấn, một nông dân làm hơn 50 công ruộng trong vùng đê bao này, lo lắng.

Ông Hai Nặm, người lái đò đưa chúng tôi vào tận vùng rốn lũ, cho biết tình trạng lở đê đã xảy ra từ ngay đầu mùa lũ đến nay. Song kể từ ngày xả đập tràn Tha La (15.9) thì mức độ sạt lở bờ đê này mới dữ dội hơn.

“Vừa xả đập là chân đê bị nước lũ “ngoạm” liền. Lúc đó ở xã mới huy động công nhân đem cả máy cuốc, xe công nông vận chuyển tràm, đất vô bao để gia cố đê. Trên toàn tuyến đê Tha La này đều được trải bạt theo chân bờ để chống sạt lở, nơi nào yếu là đóng cừ tràm, ngăn bằng vách bồ (bồ chứa lúa) rồi đắp đất vào. Coi bộ cánh đồng lúa vụ ba này… mất ăn quá”, ông Nặm nói.

Chung tay góp sức

Theo tính toán của lãnh đạo thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), nếu vỡ đê thì thiệt hại sẽ vô cùng to lớn, chỉ riêng cánh đồng lúa đã lên đến hàng chục tỉ đồng, chưa kể đến tài sản và an toàn tính mạng của người dân. Cho nên dù phải thức trắng đêm, dù phải dầm mưa dãi nắng, địa phương cũng quyết bám trụ giữ đê để cứu lúa.

Tại huyện Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp), công tác hộ đê, tuần tra kiểm soát an toàn trên các tuyến đê bao cũng đang được thực hiện hết sức khẩn trương.

Chưa bao giờ chúng tôi thấy không khí làm việc lại hối hả, đồng lòng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân Hồng Ngự lại chung tay góp sức đến như vậy.

Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết đã sử dụng hơn 10.000 cây tràm đóng xuống tuyến đê bao dài 20 km và hơn 1.000 khối cát, 36.000 bao cát đã được đắp xuống các khu vực này, hiện vẫn tiếp tục gia cố trong phạm vi 7 km đang bị đe dọa bởi nước lũ.

Ngày 23.9, huyện huy động lực lượng tại chỗ 500 người bố trí dày đặc các đoạn xung yếu rò rỉ và có hiện tượng lún sụt đồng thời túc trực 24/24 để tuần tra kiểm soát đê.

Tại 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền, người dân đã góp cừ tràm và đốn bạch đàn vườn nhà làm cọc đóng giữ đê. 

Ngoài ra, địa phương còn thành lập đội lưu động đi gom cây người dân đóng góp rồi sử dụng xe, phà (cũng của người dân tự nguyện) chở đến vùng đê bao để gia cố.

“Chúng tôi và người dân toàn huyện quyết tâm giữ 2.600 ha lúa thu đông năm nay. Chấp nhận bỏ ra vài tỉ đồng để giữ đê, cứu lúa thì nông dân sẽ thu được 52 tỉ đồng trên diện tích này”, ông Buôn quả quyết.

Lũ đầu nguồn tiếp tục lên nhanh

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn An Giang, mực nước lũ đầu nguồn sông Tiền đo được tại Tân Châu là 4m30, cao hơn so với cùng kỳ năm 2010 là 1m62 (so với trung bình nhiều năm là 3m84, cao hơn 0m46; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3m66, cao hơn so với cùng kỳ năm 2010 là 1m43 (so với trung bình nhiều năm là 3m39 cao hơn 0m27). Hiện lũ đầu nguồn tiếp tục lên nhanh nguy cơ đe dọa sạt lở và vỡ đê.

Bài, ảnh: Thanh Dũng -  Bảo Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.