>> Oằn mình trong cơn “bão” đa cấp - Bài 1: Đi gặp "ngôi sao" thiên niên kỷ
>> Sinh viên trong vòng xoáy đa cấp - kỳ 1
>> Sinh viên trong vòng xoáy đa cấp - kỳ 2
>> "Nóng" trong buổi tọa đàm bán hàng đa cấp
Lần này, chúng tôi tìm đến Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tọa lạc trên tầng 1 chợ Phú Lâm (đường Bà Hom, Q.6, TP.HCM) để bắt đầu chuyến khám phá mạng lưới đa cấp được quảng cáo là khổng lồ này.
Bên trong hội trường là hàng trăm nhân viên mới toanh đang chăm chú ngồi nghe các bậc đàn anh "cấp cao" thuyết giảng về mô hình kinh doanh đa cấp siêu lợi nhuận.
|
“Vào công ty này, nhiều người sau khi làm một thời gian nghe công bố thu nhập của mình mà nổi da gà đó các bạn. Tháng này, có người trong công ty thu nhập trên 600 triệu đồng...”, người đang đứng trên bục giảng tuyên bố hùng hồn.
Bên dưới, có hàng trăm người ngồi chăm chú nghe, phần lớn là SV, công nhân. Trong đó có hơn 1/3 là nhân viên cũ mặc những "bộ vét" lịch lãm. Mỗi khi người thuyết giảng nói một câu thì các nhân viên cũ ồ lên hay trả lời đồng thanh rồi vỗ tay thật to để tạo hiệu ứng đám đông.
Ngồi sát tôi là một nhân viên tên Ng., làm việc trong mạng lưới công ty nhiều năm. Ng. quảng cáo: "Anh đang giảng giỏi lắm đó. Dưới tay ảnh có cả trăm ngàn người trong mạng lưới, thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng là chuyện thường".
|
Ng. giảng giải tiếp cho chúng tôi: nếu anh giới thiệu 3 người vào mua hàng và trở thành thành viên chính thức của công ty thì anh sẽ trở thành tổ trưởng, thêm 3 người tuyến dưới nữa thì anh lên cấp chủ nhiệm, rồi người dưới anh trở thành chủ nhiệm thì anh lên làm phó phòng… Và mỗi người được anh giới thiệu vào mua hàng thì anh hưởng được 440.000 đồng tiền hoa hồng. Đặc biệt, anh lên cấp càng cao thì hưởng hoa hồng càng nhiều.
Ng. nói các mặt hàng ở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy bao gồm nhiều loại, phổ biến nhất là máy lọc ozon hay thực phẩm chức năng nhập từ nước ngoài, đa số là từ Trung Quốc.
Còn nhớ, cách đây 3 năm, công ty này còn rêu rao với những thành viên mới tham gia rằng, một khi là người của công ty, họ sẽ trở thành SV của trường Đại học Hợp tác tiêu thụ có đẳng cấp quốc tế do công ty sáng lập.
Trước thông tin này, đại diện của Bộ GD - ĐT lúc đó đã khẳng định với Báo Thanh Niên là không hề tồn tại trường đại học nào có tên như vậy.
Dụ dỗ người thân, bạn bè để hưởng lợi
Trên thực tế, nhiều SV do mải mê chạy theo con số hoa hồng hấp dẫn đã bất chấp tất cả để lôi kéo bạn bè xung quanh vào mạng lưới đa cấp. Đến khi chới với vì không tìm ra người để kiếm chác hoa hồng bù lại số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm, họ liền quay sang dụ dỗ cả người thân ở quê.
Cũng làm theo cách sai lầm đó, N.H.Đ, một công nhân sống tại khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) phải trốn khỏi xóm trọ cả tháng trời do bị bạn bè đòi đánh hội đồng vì tội lôi kéo họ vào mạng lưới đa cấp để ăn hoa hồng.
Trước đó, N.H.Đ đã dùng khả năng “khai sáng” của mình để dụ dỗ bạn bè trong khu trọ trở thành tuyến dưới của mình, kèm theo lời hứa sẽ chỉ cách nhanh nhất để lấy lại số tiền đã đầu tư cho việc mua sản phẩm ban đầu.
Nhưng sau khi no nê với các khoản hoa hồng béo bở, N.H.Đ quay lưng và để bạn bè tự bơi với đống thực phẩm chức năng mua xong để đó.
K.H, một SV của trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng từng nhiều lần bị lôi kéo vào con đường kinh doanh đa cấp kể: “Mình không thích mô hình này vì nó vẽ ra nhiều viễn cảnh ảo tưởng quá. Và nhiều nhân viên của các công ty đa cấp không hề quan tâm đến việc người mà họ giới thiệu vào có phù hợp với mô hình này hay không, mà chỉ nhằm mục đích là lấy được các khoản hoa hồng béo bở mà thôi”.
|
K.H kể, cô cũng có một người bạn lúc trước chơi rất thân nhưng giờ thì gần như hạn chế gặp vì sợ phải nghe những lời quảng cáo không ngớt về công ty đa cấp mà cô bạn ấy đang làm.
“Thật sự mình rất buồn khi người bạn thân đó đã dễ dàng bị "tẩy não” và trở thành một người hoàn toàn khác. Dù rất tiếc nhưng không biết làm sao để kéo bạn mình quay trở lại với con người của ngày trước”, K.H bày tỏ.
Chia sẻ về việc ngày càng nhiều bạn trẻ bị lôi kéo vào vòng xoáy đa cấp, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (trường Đại học Sư phạm TP.HCM) từng kể: "Tôi biết có khá nhiều trường hợp bạn trẻ khi tham gia vào mạng lưới đa cấp đã mắc phải chứng trầm cảm vì nhận ra rằng mình lừa dối quá nhiều người để lôi kéo họ. Ai cũng muốn có nhiều tiền hết, tuy nhiên, các bạn trẻ cần phải cảnh giác và tỉnh táo đối với những lời ngon ngọt".
Sau khi khảo sát qua nhiều công ty kinh doanh đa cấp, chúng tôi nhận thấy nơi nào cũng ngoài mặt tuyên bố không ép buộc mọi người mua sản phẩm để trở thành nhân viên chính thức. Song trên thực tế, cách làm của họ thì hoàn toàn khác. Nó khiến bất kỳ ai cũng đều phải bỏ tiền mua sản phẩm để được thanh toán các khoản hoa hồng trên mỗi đầu người thuộc tuyến dưới.
Qua loạt bài viết này, Thanh Niên Online muốn phơi bày những nguy cơ và rủi ro mà những người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp có thể sẽ gặp phải vì lý do không phù hợp, để mỗi người tự cân nhắc trước khi quyết định trở thành thành viên của mô hình kinh doanh đang ngày càng biến tướng phức tạp này.
“Nhà nước nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...". Trích Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của Chính phủ ban hành ngày 24.8.2005 |
Trí Quang
Bình luận (0)