Tối qua (13.8), tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Bắc Kinh vừa điều động máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Theo bản tin trên, đây là lần đầu tiên oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm và động thái này nhằm thể hiện năng lực áp chế của Bắc Kinh đối với các hoạt động của Washington ở Biển Đông.
Trung Quốc ra sức thị uy
Trước đó, tờ South China Morning Post đêm 30.7 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày cho hay vừa triển khai chiến đấu cơ H-6G và H-6J tập trận ở khu vực Biển Đông.
Khi trả lời Thanh Niên về việc Trung Quốc điều động dòng oanh tạc cơ H-6, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho biết: “Máy bay H-6J thuộc dòng H-6 đều là những oanh tạc cơ có thể mang tên lửa hành trình kết hợp radar cho phép xác định mục tiêu tàu chiến với độ chính xác cao. Ngoài ra, những dòng máy bay này còn có thể kết nối dữ liệu để các hệ thống phóng từ mặt đất khai hỏa tên lửa hành trình”.
Tương tự, trả lời Thanh Niên ngày 13.8, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho biết: “Hiện nay, oanh tạc cơ chiến lược tầm xa không còn đơn thuần là máy bay ném bom. Với ưu thế tốc độ di chuyển nhanh, cỗ máy chiến tranh này có thể nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và phóng tên lửa hành trình, nên oanh tạc cơ thực sự trở thành mối đe dọa uy lực mà Trung Quốc muốn thể hiện”.
Tờ Hoàn Cầu thời báo thì thông tin máy bay H-6J có thể mang theo tên lửa chống hạm CM-401 để đưa tàu chiến Mỹ vào tầm tấn công.
|
Tình hình còn căng thẳng
Nhận xét thêm, TS Nagao đánh giá việc Trung Quốc triển khai máy bay H-6 đến đảo Phú Lâm hay các căn cứ ở Biển Đông mang 3 ý nghĩa.
Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ còn đẩy mạnh hoạt động của oanh tạc cơ ở Biển Đông, nên cuộc cạnh tranh giữa hai bên sẽ còn căng thẳng ở vùng biển nàyTS Satoru Nagao |
Thứ nhất, từ các vị trí trên, tất cả các đảo và thực thể ở 3 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Đông Sa trên Biển Đông đều nằm trong tầm tấn công của oanh tạc cơ H-6. Vì thế, việc điều động oanh tạc cơ H-6J là cách để Bắc Kinh thể hiện sức mạnh với các bên khác trong khu vực. Thứ hai, máy bay H-6 giúp Trung Quốc có thể hỗ trợ tốt hơn cho các tàu ngầm của nước này đang tăng cường hoạt động ở 3 quần đảo trên.
“Thứ ba, suốt nhiều năm liền, Trung Quốc không thể hiện được năng lực đáng kể về máy bay ném bom tầm xa. Trong khi đó, Mỹ có lực lượng hùng hậu với B-1 Lancer và B-2 Spirit. Máy bay H-6 của Trung Quốc đã cũ, có thời gian hoạt động tương đương với B-52 của Mỹ, nhưng mẫu B-52 lại được Washington khai thác hiệu suất tốt hơn. Ngoài ra, Mỹ gần đây đã điều động máy bay B-1 đến đảo Guam, Nhật Bản khiến cho Trung Quốc nằm dưới hỏa lực tấn công từ oanh tạc cơ của Mỹ. Vì thế, Trung Quốc muốn đưa ra H-6J là phiên bản nâng cấp của H-6 nhằm thể hiện sức mạnh”, TS Nagao phân tích.
Quả thực, Mỹ gần đây cũng liên tục điều động oanh tạc cơ tầm xa B-1 Lancer hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Không những vậy, ngày 13.8, UPI đưa tin Mỹ vừa điều động “bóng ma” B-2 Spirit đến căn cứ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. B-2 Spirit là oanh tạc cơ tàng hình chiến lược và có tầm chiến đấu đủ sức bao phủ Biển Đông tính từ căn cứ Diego Garcia.
Cả B-1 Lancer lẫn B-2 Spirit đều có thể mang theo nhiều loại tên lửa, bao gồm tên lửa chống hạm tầm xa, nên có thể tạo sức mạnh đáng kể lên tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông.
“Với tình hình hiện nay, oanh tạc cơ chiến lược có vai trò quan trọng để thể hiện sức ép lên đối phương. Vì thế, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ còn đẩy mạnh hoạt động của oanh tạc cơ ở Biển Đông, nên cuộc cạnh tranh giữa hai bên sẽ còn căng thẳng ở vùng biển này”, TS Nagao dự báo.
Bình luận (0)