Ốc đảo giữa sông Hương

13/03/2015 09:00 GMT+7

Ít ai biết trên ngay giữa sông Hương (TP.Huế) có một hòn đảo nổi và trên ấy có một đại gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống.

Ít ai biết trên ngay giữa sông Hương (TP.Huế) có một hòn đảo nổi và trên ấy có một đại gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống.

Đảo ông Sắt nhìn từ xa Đảo ông Sắt nhìn từ xa - Ảnh: B.N.L

Đảo ông Sắt

Ốc đảo nằm biệt lập giữa sông Hương với diện tích chỉ khoảng 1.000m2. Trên đảo có một ngôi nhà với nhiều hộ gia đình, gần 30 nhân khẩu cùng sinh sống. Tất cả họ đều là anh, chị em ruột trong một gia đình đã đến đây định cư từ nhiều đời nay. Những cư dân vùng Cồn Hến (P.Vỹ Dạ, TP.Huế) gọi cù lao nổi này là “Đảo ông Sắt”. Thấy chúng tôi muốn ra đảo, anh Hoàng Văn Cư (lái thuyền ở bến thuyền Đập Đá- chợ Đông Ba) nói: “Tui chạy đò ở Đập Đá nhiều năm nay, nhưng không có khi mô đưa người ra đảo cả. Mấy anh ra đó làm gì, chắc cán bộ đi khảo sát chi đó phải không?”

Thật vậy, dù đảo chỉ cách bến thuyền Đập Đá chừng 400m, nhưng ở TP.Huế dường như cũng chẳng ai ra đấy để làm gì. Những người khách như chúng tôi vì vậy trở thành hy hữu. Con thuyền Đập Đá- Đông Ba ra đời từ hơn một thế kỷ trước. Ngày trước, khi các phương tiện xe máy, ô tô chưa phổ biến bến thuyền chuyên phục vụ cho nhưng người bán buôn với những gánh hàng từ chợ Mai, chợ Nọ của vùng quê An Truyền (làng Sình), Nam Phổ, Phú Thượng, Lại Thế… (H.Phú Vang) sang chợ Đông Ba để bán. Ngược lại hàng hóa từ chợ Đông Ba chảy về các làng quê cũng quá giang trên con thuyền này. Ngồi trên con thuyền ra đảo ông Sắt, chúng tôi chợt nhớ về câu hò của của người Huế xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm: “Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá/ Đò về Vỹ Dạ, thẳng ngã ba Sình/ Lờ đờ bóng ngã trăng chênh/ Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non”.

Đặt chân lên đảo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy đời sống của hàng chục con người quây quần trong một ngôi nhà biệt lập với cuộc sống đô thị nhộn nhịp bên ngoài. Có hai chú chó cỏ (chó thuần Việt) rất đẹp cùng với một ít gà, vịt… Phía hướng lên thượng nguồn có một điện thờ Mẫu nhỏ mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân vùng sông nước. Trên đảo có rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi cùng một ít cây trồng như mận, chuối, khế, tre... Những thành viên sinh sống trên đảo hiện nay, không ai biết chính xác tổ tiên của họ đến đây từ bao giờ. Họ chỉ biết là từ thời ông bà nội, vốn là dân chài lưới của H.Phú Vang đã lên đây neo thuyền rồi định cư luôn ở đó. Đôi vợ chồng người đánh cá đã sinh được hai người con trai là Võ Văn Đá và Võ Văn Sắt. Sau này khi ông Đá lớn lên đã lấy vợ rồi cùng dắt nhau đến một hòn đảo khác phía cuối sông Hương (thuộc P.Phú Cát) để sinh sống. Ông Sắt  lấy vợ và ở trên đảo cùng với cha mẹ. Bố mẹ qua đời, vợ chồng ông Sắt tiếp tục trở thành chủ đảo nên người ta mới đặt tên là “Đảo ông Sắt”.

Từ ốc đảo đến giảng đường

Buổi trưa, ngồi trên ốc đảo, nhìn ra phía bờ sông Chi Lăng, chúng tôi thấy một nữ sinh đứng trên bến gọi đò. Ông Quang lại đẩy chiếc xuồng nhỏ chèo sang đón con gái trở về. Đó là Võ Thị Thanh Vân, sinh viên năm cuối ngành sư phạm ngoại ngữ của Trường ĐH Sư phạm Huế. Thanh Vân là cô gái đầu tiên trên ốc đảo nhỏ học giỏi đã đỗ vào đại học. Cô cũng là niềm tự hào của những cư dân trên hòn đảo này. Thuyền cập bến, Thanh Vân bước lên bờ e thẹn nhìn khách lạ. Sau một thoáng bối rối, cô gái đã mạnh dạn trò chuyện về hành trình gian nan của mình trên con đường đi tìm con chữ. Cũng như các em, Thanh Vân từ nhỏ đã được sinh ra trên ốc đảo. Từ lớp 1 đến đại học là một ngày hai buổi vượt sông vào bờ đến trường. “Trong lớp, rất ít bạn biết nhà em ở ngoài ni. Nhiều khi mấy bạn hỏi thì em cũng chỉ nói ở bên Cồn Hến thôi”, Thanh Vân chia sẻ. Có thể với nhiều người, vào đại học là điều bình thường, nhưng với những gia đình trên hòn đảo nổi này, đó là một niềm tự hào. Bởi từ khi tổ tiên họ ghé vào hòn đảo để sinh cơ, lập nghiệp, nhiều thế hệ đã sống theo đuôi con cá, con tôm trên sông Hương và chuyện học hành với họ là điều không nghĩ tới. “Ngày xưa là vậy, nhưng bây giờ phải khác. Em vẫn thường khuyên bảo các em trong nhà, phải học mới có cơ hội bước ra khỏi ốc đảo này”, Thanh Vân tâm sự. Tiếp nối gương của chị, cô em gái thứ hai của ông Quang là Võ Thị Thùy Linh hiện tại là nữ sinh của Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Huế), một trong những ngôi trường có truyền thống học giỏi của Huế, chỉ xếp sau Trường Quốc Học.

Mặc dù trên đảo có tới 3 hộ gia đình có tới ba thế hệ cùng chung sống, nhưng chỉ có gia đình ông Quang là có con cái chăm học và học cao. Một lý do đơn giản là do ông Quang có vợ buôn bán cá ở chợ Đông Ba nên kinh tế có chút ổn định hơn mấy anh chị em khác. Sau Thanh Vân và Thùy Linh, hiện tại trên đảo còn 5 em nhỏ khác cũng đang học ở các Trường tiểu học Hương Lưu, THCS Phạm Văn Đồng (P.Vỹ Dạ, TP.Huế). Đây là thế hệ đang mang hi vọng thoát khỏi ốc đảo để bay xa trên ngưỡng cửa của học hành.

Chia tay với các cư dân trên ốc đảo để trở lại với nhịp sống sôi động của thành phố, chúng tôi bước lên bờ và nhìn ra xa, ốc đảo chỉ còn là một cụm xanh giữa sông nước…

Nghèo, nhưng hết mực yêu thương nhau

Ngôi nhà chung của “cư dân” trên đảo ông Sắt Ngôi nhà chung của “cư dân” trên đảo ông Sắt - Ảnh: B.N.L

Vợ chồng ông Sắt sinh được 6 người con (3 người con trai và 3 người con gái). Trong số 6 người con của ông Sắt, người chị đầu đã chết và một người khác lấy chồng ở tổ 6, khu vực 2 P.Vỹ Dạ, còn lại cả 4 anh chị em gồm ông Võ Văn Khôi (hơn 70 tuổi), Võ Thị Lan (67 tuổi), Võ Văn Vinh (62 tuổi), Võ Văn Quang ( 55 tuổi) đều định cư trên đảo. Bà Lan không có chồng còn lại 3 người con trai đều có gia đình và con cái sum vầy. Để chống lũ nên họ đã xây ngôi nhà bằng bê tông cao thành hai tầng. Tầng trệt dùng để sinh sống hàng ngày, còn trên tầng hai dùng để thờ tự và trú ngụ trong mùa nước lũ dâng cao. Ở tầng trệt, họ không làm nhà riêng mà chia nhau một gia đình mỗi góc trong căn nhà để sống. Mỗi “căn hộ” trong ngôi nhà chung này chỉ được ngăn cách bở những tấm màn vải đơn sơ. Mỗi gia đình đều có bếp và nấu ăn riêng. Thấy cảnh chen chúc sống chục hàng chục người từ già trẻ, lớn nhỏ trong một mái nhà, chúng tôi hỏi: “Sống chung đụng như thế này mà không nảy sinh mâu thuẫn, gây gổ gì nhau à? Ông Quang lắc đầu: “Có chi mô mà gây nhau. Anh em cháu chắt trong nhà cả, có chi mà gây”. Nói thì đơn giản là vậy, nhưng nhìn họ tôi biết nguyên nhân mà họ không hề to tiếng với nhau là vì họ rất yêu thương đùm bọc nhau. Hòn đảo là tài sản duy nhất mà muốn tồn tại họ phải dựa vào nhau. Và vì nghèo không thể có tiền để làm được mỗi người một căn nhà riêng, nên họ phải chung sức làm một ngôi nhà chung kiên cố để cùng trú ngụ khi mưa gió lụt lội.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.