Ðổi tên trường: Thay đổi 'ngôn ngữ' hay mô hình đại học Việt Nam?

09/12/2022 11:29 GMT+7

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, vấn đề chuẩn hóa về hình thức tổ chức của đại học Việt Nam là điều cần thiết. Cơ hội của một sự hợp tác sẽ diễn ra khi đại học Việt Nam có những điểm tương đồng với thế giới .

Những năm 2010-2012, tôi có dịp tham vấn cho các đại học Việt Nam hợp tác với đại học Mỹ, sắp xếp buổi làm việc cho các đại học hàng đầu Việt Nam tại TP. Boston và tiểu bang California hoặc đưa đại học Mỹ về làm việc tại TP. HCM và Hà Nội.

PGS.TS Đoàn Lê Giang Trường Đại học và Đại học là sự đối lập giả tạo

Những dịp này tôi tìm hiểu đại học Việt Nam và góp ý thay đổi cách tổ chức cũng như tên gọi để thuận lợi cho việc hợp tác giáo dục.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, vấn đề chuẩn hóa về hình thức tổ chức của đại học Việt Nam là điều cần thiết. Cơ hội của một sự hợp tác sẽ diễn ra khi hai đại học Việt Nam và Mỹ cũng như các nước khác có những điểm tương đồng, cùng lĩnh vực, cùng năng lực, cùng nhu cầu phát triển...

Mô hình đại học Mỹ

Mô hình đại học Mỹ là đa lĩnh vực, đa ngành, đa bằng cấp. Điều này tạo ra hệ sinh thái giáo dục đa dạng, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tiết kiệm chi phí đầu tư giáo dục.

Mô hình đại học của Mỹ

trần thắng

Ðại học lớn có tất cả các ngành học, như đại học công lập University of California, University of Virginia... hay những đại học tư danh tiếng Princeton University, Harvard University, Yale University... Một số đại học tập trung vào lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, khoa học như Massachusetts Institute of Technology (MIT), California Institute of Technology, Worchester Polytechnic Institute (WPI)... Một số đại học tập trung vào lĩnh vực xã hội học và ngành khoa học cơ bản như Williams College, Pomona College, Wesleyan University...

Người đứng đầu University (đại học) gọi là President (Giám đốc đại học), người đứng đầu của School/College (trường) gọi là Dean (Hiệu trưởng trường), người đứng đầu của Department (khoa) gọi là Head/Chairman/Director (Trưởng khoa).

Hệ thống đại học công lập tiểu bang gồm nhiều trường thành viên, như University of California có 10 trường thành viên bao gồm những đại học lớn Berkeley, Los Angeles, Santa Barbara. Mỗi trường thành viên có tính độc lập và tự chủ.

Một số đại học tư cũng có trường thành viên như đại học danh tiếng Columbia University được kết hợp từ Columbia College, Barnard College & Teacher College.

Ðại học với quy mô lớn thì dùng chữ University như Yale University, University of California. Những đại học với quy mô nhỏ thì dùng chữ College như Boston College. Và những trường chuyên về lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, khoa học thì dùng chữ Institute (Viện).

Tại Mỹ, mọi người dùng chữ University, College là có cùng nghĩa “đại học”, nhưng người ngoài nước Mỹ sẽ hiểu lộn xộn giữa 2 chữ này. Ví dụ như Việt Nam, hầu hết người Việt hiểu College là cao đẳng vì hiểu theo tiếng Pháp ngày xưa và Mỹ cũng có trường Cao đẳng Cộng đồng (Community College - hệ 2 năm). Trong khi Dartmouth College là đại học danh tiếng trong top 15, hoặc Boston College trong top 35, hoặc Williams College & Pomona College là trong top 3 thuộc nhóm Liberal Arts Colleges, với tổng số trên 3.000 đại học.

Ðổi tên trường hay đổi mô hình giáo dục?

Một số đại học Mỹ có sự đổi tên vì sự phát triển của trường, chứ không phải vì theo luật. Ví dụ như Columbia University bắt đầu từ King’s College, rồi chuyển sang Columbia College, rồi cuối cùng đến với Columbia University.

Với cá nhân tôi, University of Connecticut là nơi tôi học lúc trước, trường bắt đầu với cái tên Storrs Agricultural School năm 1881, rồi chuyển sang Connecticut Agricultural College vào năm 1933, đến năm 1939 chuyển thành University of Connecticut cho đến ngày nay.

Trước khi định cư tại Mỹ năm 1991, tôi là sinh viên năm 2 tại Trường Ðại học Bách khoa TP.HCM. Cũng là ngôi trường này, trước năm 1975 có tên là Ðại học Kỹ thuật (Phú Thọ), sau năm 1976 đổi tên thành Trường Ðại học Bách khoa TP.HCM, năm 1996 đổi tên thành Trường Ðại học Kỹ thuật TP.HCM, rồi đến năm 2001 trở về với tên Trường Ðại học Bách khoa TP.HCM. Là cựu sinh viên của Trường Ðại học Bách khoa TP.HCM, tôi nhận thấy việc đổi tên trường là thay đổi ngôn ngữ, trong khi mô hình hoạt động của trường vẫn không thay đổi.

Theo lệ lâu nay của người Việt, chúng ta đặt tên cho một tổ chức, trường học, cơ sở kinh doanh là cái tên phải ánh đúng tính chất của bản thân nó, ví dụ như Công ty sản xuất bao bì Tia Sáng, Trường Ðại học Giao thông vận tải TP.HCM... Vì đặt tên quá cụ thể với tính chất hoạt động của tổ chức nên khi phát triển mở rộng thì tên cũ sẽ không còn phù hợp. Chẳng hạn Trường Ðại học Giao thông vận tải TP.HCM, nếu như 10-20 năm sau mở rộng các ngành về thương mại, kỹ thuật, xã hội học, thì chữ “giao thông” sẽ rơi vào vị trí tối nghĩa và trường có thể phải đổi tên. Nhiều đại học Việt Nam có tên gọi tương tự như Trường Ðại học Giao thông vận tải TP.HCM.

Đoàn đại biểu của Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội trước đây và lãnh đạo trường Worchester Polytechnic Institute (WPI). Tác giả Trần Thắng (thứ hai từ phải sang trái).

t.t

Tại Mỹ, đa phần đặt tên do người sáng lập, hay tên một địa phương, hay tên một biểu tượng, ví dụ như Công ty Apple, Công ty Amazon, Quỹ Bill Gate, Harvard University, Boston University... Ðối với Công ty Amazon, lúc đầu công ty tạo nền tảng online mua và bán sách cũ, rồi bán sách đọc Kindle, tiến đến bán đủ loại hàng hóa và trở thành nền tảng bán hàng online lớn nhất tại Mỹ, rồi Amazon mở rộng sang lãnh vực công nghệ... Cái tên “Amazon” trong suốt 30 năm vẫn không thay đổi.

Luật số 34 của Quốc hội ban hành năm 2018, trong điều 4 có giải thích từ ngữ “đại học”, “trường đại học”, “ học viện”. Theo Nghị định 99 của Chính phủ ban hành năm 2019, tại điều 2 khoản 1.a, tên trường đại học phải là “đại học”, “trường đại học”, “viện”. Cũng theo Nghị định 99, trong điều 4 hướng dẫn việc chuyển “trường đại học” thành “đại học”, có lẽ đây là tâm điểm bàn luận của xã hội và giới chuyên môn giáo dục khi “Trường đại học Bách khoa Hà Nội” chuyển tên thành “Ðại học Bách khoa Hà Nội” để được nâng cấp quy mô đại học lớn.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, dùng chữ “trường đại học” và “đại học” có cùng nghĩa là “đại học” như người Mỹ dùng chữ “university” và “college” cùng nghĩa là “đại học”. Tiếng Việt có hình thức từ ghép mà khi bỏ ra chúng vẫn không bị mất nghĩa. Chữ “trường” trong cụm từ “trường đại học” cũng là một dạng từ ghép, khi bỏ chữ “trường” thì chữ “đại học” vẫn không bị mất nghĩa.

Trong lĩnh vực xây dựng, Việt Nam có tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2, loại 3. Các thành phố có cấu trúc tổ chức lớn nhỏ thế nào thì được sắp xếp theo chuẩn đô thị loại tương xứng, như TP.HCM, TP. Hà Nội, TP.Ðà Nẵng, TP.Hải Phòng, TP. Cần Thơ là đô thị loại đặc biệt.

Trong lĩnh vực giáo dục cũng tương tự, chúng ta có thể xây dựng những tiêu chuẩn đại học loại A, B, C, D. Những đại học hàng đầu của Việt Nam được sắp vào nhóm A như Ðại học Quốc gia TP.HCM, Ðại học Quốc gia Hà Nội, Ðại học Ðà Nẵng, Ðại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Cần Thơ, Ðại học Kinh tế TP.HCM... Với chuẩn thang bậc nhóm đại học, chúng ta xây dựng quy chế hành chính và khung pháp lý hoạt động cho từng nhóm. Ðược như vậy, các đại học khi phát triển vẫn giữ được truyền thống tên của trường, không ảnh hưởng đến bằng cấp cũ và mới, không ảnh hưởng đến tìm cảm mà xã hội giành cho trường.

Trở về với Việt Nam, mô hình Ðại học Quốc gia TP.HCM, Ðại học Quốc gia Hà Nội, Ðại học Ðà Nẵng, có cách tổ chức gần giống như hệ thống đại học công lập Mỹ, là điều thuận lợi để phát triển theo mô hình đại học công lập Mỹ.

Phát triển giáo dục trong hệ thống đại học Việt Nam là điều cần thiết hơn bao giờ vì, nội lực của các đại học Việt Nam giờ hoàn toàn vững mạnh so với 10-20 năm trước đây, xu thế phát triển các đại học trên thế giới đều tự chủ, các ngành học thay đổi nhanh theo nhu cầu của xã hội và thị trường. Hãy giao quyền tự chủ cho các đại học Việt Nam và từ đây các đại học Việt Nam sẽ bay xa hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.