Giáo sư nước ngoài 'rối' với tên gọi trường đại học và đại học ở Việt Nam

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
07/12/2022 11:03 GMT+7

Khi một tiến sĩ làm đề tài nghiên cứu về hệ thống các trường đại học (ĐH) ở Việt Nam, đồng nghiệp và người phản biện cứ thắc mắc vì sao có đến 2 ĐH Quốc gia và họ không phân biệt được khái niệm ĐH và trường ĐH.

Trường "mẹ", trường "con" gọi ra sao?

Tiến sĩ Phan Hồng Đức, giảng viên ĐH RMIT (TP.Melbourne, Úc), cho biết sau khi đọc thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được nâng cấp lên thành ĐH Bách khoa Hà Nội, cô vẫn còn "rối" với những khái niệm mà Bộ GD-ĐT quy định về 2 mô hình này.

Việc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nâng cấp thành ĐH Bách khoa Hà Nội khiến nhiều người tranh luận về tên gọi

T.L

Tiến sĩ Đức cho biết: "Ở Úc, nếu University là F0 thì thường là đa ngành bao gồm nhiều College (F1) và School (F2) thành viên. University là đại học và school là trường, còn college tiếng Việt dịch cao đẳng nhưng chưa đúng nghĩa".

"Chẳng hạn, RMIT University, dưới đó có College of Business and Law (COBL). Dưới COBL có các school - trường thành viên, chẳng hạn School of Business and Management (Trường kinh doanh và quản lý). Dù về mặt pháp lý thuộc RMIT Vietnam, một pháp nhân độc lập, nhưng là một trường thành viên của COBL tại RMIT University ở Melbourne. Lúc này, school gọi là trường, không còn dùng chữ ĐH kèm theo phía sau nữa để tránh hiểu lầm", tiến sĩ Đức chia sẻ.

Theo tiến sĩ Đức, College of Business and Law của RMIT University ở Melbourne có thể xem như ĐH trong khái niệm ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Đà Nẵng ở Việt Nam vì có 5 trường (school) thành viên.

Cụ thể, 5 school thuộc College of Business and Law của RMIT University là: School of Accounting, Information Systems and Supply chain (Trường Kế toán - Hệ thống thông tin và chuỗi cung ứng), School of Economics, Finance and Marketing (Trường Kinh tế, tài chính và tiếp thị), Graduate School of Business and Law (Trường cao học kinh doanh và luật), School of Management (Trường Quản lý), School of Business and Management (Trường Kinh doanh và quản lý-ở Việt Nam).

Tiến sĩ Đức kể lúc chị làm một đề tài nghiên cứu về hệ thống các trường ở Việt Nam, những đồng nghiệp và người phản biện cứ thắc mắc và không hiểu vì sao đã gọi là ĐH Quốc gia thì chỉ nên có một, mà ở Việt Nam lại có tới 2 ĐH Quốc gia cho hai thành phố lớn. Các giáo sư nước ngoài cũng "rối" khi không thể phân biệt khái niệm của 2 mô hình này vì ĐH là đào tạo đa lĩnh vực còn trường ĐH đào tạo đa ngành, vậy tại sao hiện nay vẫn có nhiều trường ĐH đào tạo đa lĩnh vực và đa ngành?

"Họ tiếp tục thắc mắc vì sao Việt Nam không gọi ĐH Quốc gia ở 2 thành phố lớn là ĐH Hà Nội và ĐH Sài Gòn hay ĐH TP.HCM? Tôi giải thích Việt Nam cũng có Trường ĐH Hà Nội và Trường ĐH Sài Gòn nhưng 2 trường này quy mô nhỏ hơn rất nhiều, thì họ lại lắc đầu bối rối", tiến sĩ Đức kể.

Nếu trường nào cũng thành ĐH đào tạo đa lĩnh vực thì có tốt không?

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, đang công tác tại ĐH Bristol (Vương Quốc Anh), cũng cho biết: "Hiểu theo cấu trúc của các nước Anh, Mỹ thì khái niệm University là trường lớn trong đó có nhiều School/College nhỏ như College of Business hoặc Business School (Trường Kinh doanh), School of Engineering (Trường Kỹ thuật), School of Education (Trường Sư phạm)... Điều này đồng nghĩa các nước phương Tây sử dụng rõ ràng 2 chữ khác nhau: University và School/College. Trong khi đó, tên tiếng Anh các trường ĐH của Việt Nam vẫn dùng từ "University".

Như vậy, theo cách gọi của nước ngoài, để tránh gây hiểu lầm, trường ĐH thành viên của ĐH ở Việt Nam, chỉ nên được gọi là "trường", chẳng hạn, Trường Kinh tế-Luật của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường Khoa học xã hội và nhân văn của ĐH Quốc gia Hà Nội...

Tiến sĩ Tuấn đồng thời lưu ý, luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 và Nghị định 99 (về hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục đại học sửa đổi), muốn trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực thì một trường ĐH phải trở thành "ĐH".

"Câu hỏi chúng ta nên đặt ra có lẽ là: có phải trở thành ĐH đa lĩnh vực là điều tốt cho một trường ĐH? Đa lĩnh vực tất nhiên là tốt cho tài chính của trường vì dễ tuyển sinh, đa dạng hóa rủi ro, nhưng có tốt cho người học và cựu sinh viên không? Tốt cho giảng viên và xã hội không khi trường nào cũng đua nhau đào tạo đa lĩnh vực?", tiến sĩ Tuấn nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.