Ban đầu, Mỹ về nhất ở vòng loại, nhưng lập tức bị loại vì phạm quy. Ban tổ chức Olympic 2020 cho rằng hai VĐV Elija Godwin và Lynna Irby đã trao gậy cho nhau ở khu vực sai quy định, từ đó dẫn đến hệ quả là Irby xuất phát ở vị trí không đúng quy định. Đoàn Mỹ khiếu nại, cho rằng chính trọng tài (hoặc nhân viên) của ban tổ chức đã hướng dẫn Irby vào vị trí chờ nhận tín gậy như thế.
Lạ thay, khi thắng rất dễ dàng ở vòng loại và nhận thông báo về việc phạm quy, vài thành viên trong đội tuyển tiếp sức 4x400m hỗn hợp của Mỹ lại tỏ ra dửng dưng, như thể đấy không bao giờ là chuyện lạ. Quả đã có “nỗi ám ảnh” lớn, tồn tại suốt hàng chục năm nơi đội tuyển điền kinh Mỹ: họ thường xuyên thất bại không phải vì kém tài so với đối phương mà vì nhược điểm trao tín gậy của chính mình. Từ năm 1995 đến năm 2016, có đến 9 lần đội tuyển chạy tiếp sức nam của điền kinh Mỹ bị loại vì lỗi trao tín gậy (rớt gậy hoặc trao ở vị trí sai quy định) tại các giải lớn. Thất bại tại Olympic Rio de Janeiro cũng là vì vậy. Đội tuyển nữ cũng chẳng khác: thất bại tại các kỳ Olympic 2004 và 2008 đều vì lỗi trao tín gậy!
|
Kỳ này thì khác. HLV riêng của Irby (nữ VĐV chạy ở đợt hai) là Lance Brauman lập tức phản đối: “Không thể có chuyện phạm quy. Chúng tôi đã rất quan tâm đến chi tiết này”. Thoạt xem, ai cũng ngỡ rằng đội Mỹ phạm quy thật, vì Irby nhận tín gậy từ Godwin ở vị trí rất xa so với đám đông còn lại trong đợt chạy vòng loại của họ. Có một bức ảnh cho thấy cảnh trao gậy giữa hai đợt chạy đầu tiên, mà trong đó đường chạy của Mỹ hoàn toàn không thấy VĐV nào! Các VĐV Mỹ “yên trí” rằng họ đã bị loại trước khi đi ngủ trong đêm thứ sáu. Đến sáng thứ bảy thì nhận thông báo: họ đã khiếu nại thành công và sẽ thi đấu chung kết (lúc 19 giờ 35 thứ bảy).
Đây là lần đầu tiên nội dung chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp của môn điền kinh được đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic. Nội dung cực hay này đã xuất hiện lần đầu tiên tại giải Vô địch điền kinh thế giới vào năm 2019. Và, vẫn như mọi khi, Mỹ lập tức trở thành đội tuyển đáng gờm nhất thế giới trong nội dung chạy tiếp sức hỗn hợp.
|
Ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp, mỗi đội cử ra 2 tay đua nam và 2 tay đua nữ, tranh tài theo thứ tự hoàn toàn tự do (muốn xếp VĐV nào chạy ở đợt nào, tùy ý). Một mặt, vì việc trao tín gậy đã trở thành nhược điểm truyền thống như vừa nêu, ban huấn luyện Mỹ luôn phải tính kỹ ngay từ khâu chọn đội hình thi đấu, sao cho việc trao tín gậy thuận lợi (người trao thuận tay nào, người nhận thuận tay nào, mức độ hiểu nhau ra sao). Cũng cần lưu ý: do đẳng cấp cao, các VĐV Mỹ luôn thực hiện việc trao tính gậy ở tốc độ cực đại, tức tăng đến tối đa độ khó về kỹ thuật trao gậy, nên họ mới hay bị rớt gậy. Mặt khác, nội dung thi đấu này hấp dẫn còn vì yêu cầu chiến thuật cao. Tất cả các đội đều phải nghiên cứu lẫn nhau để xếp đội hình cho phù hợp – nên nhớ VĐV nam thường chạy nhanh hơn VĐV nữ khoảng 6 giây trong vòng 400m.
Vượt qua được nỗi ám ảnh “trao tín gậy”, đội tuyển Mỹ sẽ tranh tài trong đợt chạy chung kết 4x400m hỗn hợp rất hấp dẫn vào tối nay. Hãy chờ xem!
Bình luận (0)