Bát súp chan mưa trên đèo Hải Vân
0 giờ sáng 6.10, dưới cơn mưa nặng hạt trên đèo Hải Vân, từng đoàn người về quê tự phát bằng xe máy cà tàng vẫn lũ lượt ngang qua rồi dừng chân đỉnh đèo Hải Vân, ở địa phận Q.Liên Chiểu, kết thúc đoạn đường ngang qua TP.Đà Nẵng.
Xe chuyên dụng của lực lượng công an kết thúc nhiệm vụ dẫn đường, họ quay đầu về lại cửa ngõ giáp ranh Quảng Nam ở phía nam thành phố, để lại tiếp tục nhiệm vụ dẫn đường, giám sát người dân ngang qua địa bàn TP.Đà Nẵng.
Theo Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Công an TP.Đà Nẵng) ước tính trong đêm 5.10 đến sáng nay 6.10, có đến hơn 2.000 người điều khiển xe máy về quê ngang qua TP.
Vượt ngàn cây số về quê bằng xe máy cùng cha mẹ: trẻ em ngất xỉu |
Ở đỉnh đèo Hải Vân lúc rạng sáng, trời mưa, nhiệt độ xuống thấp, từng cơn gió thổi buốt khiến người ta lạnh thấu xương. Run rẩy bưng bát súp nóng vừa nhận tiếp viện, với chiếc muỗng nhựa yếu ớt, người mẹ trẻ Vừ Thị Giống (22 tuổi, dân tộc H’Mông, quê tỉnh Điện Biên) cố ăn vài miếng để có sữa cho đứa con 2 tháng tuổi bú, sau chặng đường từ tỉnh Bình Dương về.
Vừ Thị Giống (22 tuổi, dân tộc H’Mông, quê tỉnh Điện Biên) bế con 2 tháng tuổi về quê bằng xe máy |
HUY ĐẠT |
Giống kể bằng tiếng Kinh chưa tròn, rằng cách đây 2 tháng, ngày cô sinh con ở tỉnh Bình Dương, diễn biến dịch bệnh rất căng thẳng. Cô đã tự sinh đứa con trai ở ngoài lề đường.
Sau khi sinh, người chồng chở cô về phòng trọ và sống lay lắt qua ngày. Vợ chồng trẻ cùng đứa con đỏ hỏn vừa lọt lòng mẹ chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cha có thể đi làm, mua sữa cho đứa trẻ sơ sinh.
“Chồng chở em đi sinh nhưng bệnh viện mắc dịch bệnh, người ta làm thủ tục lâu quá… Lúc chờ đợi ngoài vỉa hè, em đã tự sinh con luôn. Chồng hoảng hốt chở em và con về trọ, vì lúc đó dịch bệnh không ai giúp được hết. Sau đó, may có chị hàng xóm ở dãy trọ chăm sóc giúp”, Giống nghẹn ngào kể.
Hàng nghìn người điều khiển xe máy tự phát về quê được tiếp viện thức ăn, nước uống trên đỉnh đèo Hải Vân vào rạng sáng nay 6.10 |
HUY ĐẠT |
Trên đường thiên lý, em bé 2 tháng tuổi phải cùng hứng chịu nỗi gian nan cùng bố mẹ. Vượt chặng đường từ Nam ra Bắc cả nghìn cây số, đội mưa nắng trên suốt đường đi...
Giống và chồng (Giàng A Sen, 26 tuổi, quê tỉnh Điện Biên) cũng không may mắn. Lúc cưới nhau, chỉ có sự chứng kiến của họ hàng.
“Vợ chồng em mồ côi cả cha lẫn mẹ, lớn lên sống với họ hàng sau đó vào miền Nam sinh sống, gặp, yêu và cưới nhau. Ở trong đó lúc chưa dịch bệnh, cuộc sống chúng em ổn định, dễ kiếm ra tiền nên nhiều lúc Tết cũng đi làm kiếm tiền luôn. Nay dịch bệnh kéo dài nên phải ôm về quê một thời gian”, Giống nói.
Những đứa trẻ ngủ trên vai mẹ trên hành trình về quê đầy gian nan |
HUY ĐẠT |
Nhớ miền quê nghèo ở tỉnh Điện Biên, Giống kể những ngày tháng tuổi thơ cơ cực, khó khăn chồng chất. Chuỗi ngày vào miền Nam mưu sinh, kiếm được tiền từ sức lao động khiến chị cảm thấy vui vẻ. Tiếc là dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát, khiến vợ chồng trẻ lâm cảnh khó khăn.
Cuối cùng, vợ chồng trẻ đành phải tạm rời vùng đất sôi động phía Nam và hy vọng sẽ quay lại mưu sinh để các con sau này đỡ khổ…
“Ở quê, em còn 2 đứa con, nên bế đứa nhỏ về ăn rau cháo sống qua ngày. Vừa sinh xong đi đường kiệt sức, thế nhưng hết dịch vợ chồng tính đưa cả nhà vào miền Nam lại. Ở trong đó mấy đứa nhỏ có thể tự kiếm tiền, có tiền thì tự tìm chỗ đi học chữ…”, Giống nói.
Bế con nhỏ 2 tháng tuổi về quê tỉnh Điện Biên, Giống hy vọng hết dịch sẽ quay lại Bình Dương tiếp tục mưu sinh |
HUY ĐẠT |
Khóc thét vì con ngất xỉu trong lớp áo mưa
Đang ăn dở bát súp nóng, Giống đậy kỹ miệng bát nhựa sau tiếng loa của tình nguyện viên thông báo: “Sau 10 phút nữa, xe bán tải sẽ mở đường, rọi đèn cho bà con xuống chân đèo Hải Vân vào địa phận Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế. Bà con không được ở quá 30 phút trên đỉnh đèo, đó là quy định để tránh ùn tắc. Bà con kiểm tra đồ đạc rồi lên đường nhé! Đà Nẵng luôn ở đây để gửi tình cảm từ đáy lòng đến bà con… Mong bà con hiểu giúp! Lên đường bình an…”.
Nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng xuyên đêm tiếp tế cho người dân về bằng xe máy |
HUY ĐẠT |
Trong tiếng động cơ khởi động ồn ào, một bà mẹ bất ngờ khóc thét khiến cả đoàn xe máy sắp xuất phát phải dừng lại. Đứa trẻ đã ngất xỉu trong lớp áo mưa. Bà mẹ trẻ bồng con sơ sinh lao thẳng về phía có các tình nguyện viên, cầu cứu.
Nhanh chóng bế đứa nhỏ khỏi vòng tay mẹ, một tình nguyện viên cũng là y tá của bệnh viện ôm đứa nhỏ chạy vào một quán nước trên đỉnh đèo. Các y tá, bác sĩ khẩn cấp sơ cứu.
Các tình nguyện viên là y tá, bác sĩ kịp thời sơ cứu cho cháu bé bị ngất xỉu trong tay mẹ |
HUY ĐẠT |
Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài. Khoảng 10 phút sau, cháu bé đã khóc lớn khi không thấy mẹ đâu, xung quanh chỉ toàn người mặc đồ bảo hộ y tế.
Người mẹ quê tỉnh Nghệ An khóc kể lại rằng, trên đường đi cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì đứa trẻ đã lịm…
Cháu bé được các tình nguyện viên chăm sóc đã tỉnh táo, khóc đòi mẹ |
HUY ĐẠT |
Ôm được con gái chưa đầy 3 tuổi trong lòng, đút cho bé từng muỗng súp nóng, người mẹ kể: “Vợ chồng em chạy từ Bình Phước về, trên đường gặp nhiều khó khăn, lúc nãy tưởng đã mất con… May mắn các bác sĩ đã cứu giúp cháu”.
Trong hàng nghìn người rời miền Nam về quê bằng xe máy tự phát, có những người mẹ với mong muốn đi xa để thoát cảnh khó nhọc, để các con có cuộc sống tốt hơn. Đến nay, tuy gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nhưng khi rời địa phận TP.Đà Nẵng họ vẫn nhắn gửi rằng sẽ sớm quay lại. Sẽ ngang qua thành phố này, để trở vào miền Nam tiếp tục ước mơ lập nghiệp nơi xứ người.
Bình luận (0)