Omicron lây lan nhanh, đáng báo động dù chỉ gây bệnh nhẹ

La Vi
La Vi
15/12/2021 15:01 GMT+7

Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia. Ngay cả khi chủng này chỉ gây bệnh nhẹ - điều mà đến nay chưa có kết luận chắc chắn - thì vẫn có nghĩa là nhiều người có thể phải nhập viện và thậm chí tử vong.

Thế giới hôm 13.12 ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan biến thể Omicron. Trường hợp này xảy ra tại Anh, nơi đã có gần 5.000 ca nhiễm chủng Omicron được ghi nhận.

Trong một cuộc họp báo gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Omicron lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta ở Nam Phi, nơi chủng Delta ít lưu hành. Nhưng Omicron cũng có vẻ lây lan nhanh hơn Delta ở những nơi mà Delta đang là chủng trội, chẳng hạn như Anh".

Theo WHO, với dữ liệu hiện tại, có khả năng Omicron sẽ vượt xa Delta trong lây lan ở cộng đồng.

Chính phủ Anh áp dụng các quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới

reuters

Hiện vẫn chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể mới, mặc dù hầu hết các trường hợp được chẩn đoán cho đến nay đều chỉ bị triệu chứng nhẹ. Dù điều này nghe có vẻ yên tâm. Nhưng nếu Omicron dễ lây lan hơn Delta và các biến thể trước đó, đồng thời có khả năng né tránh kháng thể tạo ra nhờ vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh trước đó, thì nhiều người sẽ bị lây nhiễm hơn, đồng nghĩa với khả năng số ca nhập viện và tử vong sẽ tăng lên.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javic hôm 13.12 cho biết: "Những điều chúng ta biết về Omicron là nó đang lây truyền với tốc độ rất nhanh mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Số ca nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đối mặt với đợt sóng triều về lây nhiễm. Một lần nữa lại có cuộc chạy đua giữa vắc xin và virus".

Câu hỏi quan trọng hiện còn chưa rõ là Omicron sẽ có tác động ra sao với nhóm người có nguy cơ, như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và người có bệnh nền.

Vắc xin giảm hiệu quả

Cập nhật mới nhất của WHO cũng cho rằng biến thể Omicron, với số lượng đột biến cao bất thường, có thể vượt qua kháng thể do vắc xin hay nhiễm bệnh trước đó tạo ra.

Đã tiêm rồi vẫn nhiễm

Một nghiên cứu mới của Đại học Oxford được công bố hôm 13.12 chỉ ra rằng hai loại vắc xin ngừa Covid-19 phổ biến là AstraZeneca và Pfizer/BioNTech suy giảm bảo vệ trước chủng Omicron với 2 mũi tiêm tiêu chuẩn.

Theo nhóm nghiên cứu này, "hiệu quả của vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng giảm mạnh khi gặp chủng Omicron, so với chủng Delta".

Một số báo cáo chỉ ra rằng một số bệnh nhân nhiễm Omicron đã được tiêm ngừa hoặc tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc tiêm vắc xin, đặc biệt là sau liều tăng cường, có tác dụng bảo vệ tốt chống bệnh nặng.

Một điểm tiêm chủng ở London, Anh

reuters

Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố, có 79% người nhiễm Omicron ở Mỹ đã tiêm đủ vắc xin, trong đó có 14 người đã tiêm liều tăng cường. Nhưng hầu hết các ca nhiễm này đều có triệu chứng nhẹ và trung bình, chỉ có một ca nhập viện và chưa có ca tử vong nào.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy tín hiệu khả quan rằng mũi vắc xin tăng cường có thể làm tăng khả năng vô hiệu hóa biến thể Omicron.

Theo phân tích số liệu thực tế của 581 người nhiễm Omicron, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) nhận thấy sau khi tiêm mũi 3 vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech, hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng sau khi nhiễm Omicron đạt mức 70-75%, gấp khoảng 3 lần so với chỉ tiêm 2 liều.

Một nghiên cứu tại Israel cũng cho thấy kết quả tương tự. Nghiên cứu này so sánh mẫu máu của 20 người đã tiêm 2 mũi vắc xin cách đây 5 - 6 tháng và 20 người đã tiêm mũi 3 cách đây 1 tháng. Kết quả cho thấy sau khi tiêm mũi 3 vắc xin Pfizer, khả năng vô hiệu hóa biến thể Omicron tăng lên khoảng 100 lần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.