Ồn ào kiệt tác giả, thật

Triển lãm Những bức tranh từ châu Âu về, trưng bày tác phẩm của các danh họa VN xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã thu hút đông đảo người xem.

Nhưng sau khi khai mạc vào ngày 10.7, một số ý kiến cho rằng đa số tranh treo ở đây là... giả.


Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: Có thể nói rằng hiện nay ngành mỹ thuật VN chưa thật sự có một hội đồng giám định tranh (thật, giả) đúng nghĩa. Chỉ từ khi có luật Sở hữu trí tuệ, họa sĩ nào muốn xác nhận bản quyền thì làm thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng. Còn khi nghi ngờ một tác phẩm của một họa sĩ đã qua đời thì chỉ có thể mời một số họa sĩ - nhà nghiên cứu có kinh nghiệm theo từng dòng tranh, từng phong cách của họa sĩ ấy, nhất là các họa sĩ cùng thời hoặc mời thân nhân, thân hữu, thế hệ đàn em của họa sĩ thông hiểu về tác phẩm và tác giả để xác nhận, nhưng phải nói ngay là cũng còn theo cảm tính. Cũng có thể xác định tuổi của màu (chất liệu) theo phương pháp đo chất đồng vị carbon C14, nhưng phương pháp này chủ yếu dùng trong khảo cổ học.
Hà Đình Nguyên

Theo một số nhà sưu tập, nhà phê bình mỹ thuật thì 15/17 bức tranh là giả. Hai bức còn lại là bức sơn dầu Trừu tượng của Tạ Tỵ (sáng tác năm 1952) và bức sơn mài Cô gái của Nguyễn Sáng (sáng tác năm 1980), độ giả/thật có thể là 50/50.
Về bức Ba thiếu nữ của Dương Bích Liên (triển lãm gọi tên là Nét duyên dáng), ông N.K.Khôi, một nhà nghiên cứu mỹ thuật, cho biết: “Bức tranh của Dương Bích Liên trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lần này còn tệ hơn sinh viên vẽ: tay chân, mặt mũi rất kinh dị. Cô thì mắt lé. Cô khác có cánh tay như mọc từ lỗ tai, bàn tay to hơn gương mặt. Cô đang ngồi thì mặt mũi bơ phờ, tay vẽ rất xấu, toàn diện bức tranh thiếu hẳn nét chuyên nghiệp và thơ mộng của bức tranh thật”. Cũng theo đánh giá của ông Khôi, bức tranh Nguyễn Du ngồi câu cá được cho là của Nguyễn Tiến Chung “trông phèn phẹt, không có cái sâu lắng của sơn mài”.
Bình luận về các bức tranh bị cho là giả của danh họa VN hiện được trưng bày trong triển lãm, họa sĩ Phạm Tô Chiêm cho rằng có lẽ chúng là của ai chép lại... từ ký họa. “Dương Bích Liên rất ít khi vẽ đông người. Có 1, 2 bức thời đầu thôi. Ông ấy ít dùng màu sặc sỡ, tông màu của ông là ghi, vàng đất... và ông ấy hay bỏ lửng làm cho người xem có cảm giác chưa xong”. Ông Chiêm cũng chia sẻ thêm, rất nhiều nhà sưu tập đã chơi kiểu dùng ký họa dựng thành tranh... và bảo đó là của các danh họa.
Không riêng ông N.K.Khôi, mà ngay cả nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hải - một người thân thiết với Dương Bích Liên - cũng khẳng định với PV đó là tranh giả. Có hai căn cứ được ông đưa ra: Thứ nhất là kích thước. Ông Hào Hải cho biết kích thước bức tranh thật to tương đương với kiệt tác Hào (sơn dầu, 147 x 200 cm, 1972) của Dương Bích Liên, còn kích thước bức tranh giả là 90 x 120 cm. Thứ hai, điều quan trọng nhất theo ông Hào Hải, bức sơn mài Ba thiếu nữ thật hiện thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Đức Minh. (Hiện tranh vẫn còn trưng bày tại Bảo tàng tư nhân Đức Minh, 31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, người tiếp quản bức tranh là Bùi Quốc Chí - con trai ông Đức Minh - PV).
Ông N.K.Khôi cho rằng nếu người sưu tầm như ông Vũ Xuân Chung do thiếu kiến thức hội họa mà mua phải tranh giả và treo ở nhà riêng thì đó là chuyện cá nhân, nhưng tranh giả được đem treo lên tường Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì là hành động gián tiếp chính thức hóa tranh giả, làm nguy hại đến nền mỹ thuật VN.
Trước những ý kiến này, ông Trịnh Xuân Yên (Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) nói: “Ở đây chúng tôi đã căn cứ vào hồ sơ gồm những văn bản, giấy tờ của ông Jean Francois Hubert, giấy chứng nhận của nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông rất uy tín và sự cam kết là tranh nguyên gốc của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung như là một bảo đảm. Còn để xác nhận hoặc giám định đây là tranh giả hay thật thì quả thật là chúng tôi chưa có điều kiện và đủ năng lực để làm”.
Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, người đã cất công tìm và mua lại từ ông Jean Francois Hubert những tác phẩm hội họa của các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Paris (Pháp) và đem về VN triển lãm, nói: “Sau nhiều năm tìm tòi học hỏi, tôi biết được phần lớn những bức tranh thật của các danh họa mỹ thuật Đông Dương đã bán ra nước ngoài, trong nước chỉ còn lại rất ít. Sau khi các danh họa qua đời thì... tranh lại được vẽ nhiều hơn (tranh giả), cho nên tôi đã chuyển hướng qua mua tranh ở nước ngoài. Theo sự hiểu biết của tôi, ông Jean Francois Hubert là chuyên gia cao cấp về mỹ thuật châu Á, là nhà giám định tranh của Hãng đấu giá Christie’s Hồng Kông và tôi hài lòng khi mua tranh có sự chứng nhận của ông. Tôi không quan tâm đến bất kỳ sự đánh giá thật - giả nào từ dư luận bên ngoài về bộ sưu tập của tôi. Những bức tranh trong bộ sưu tập của tôi được sự chứng nhận của ông Hubert có thể đưa vào Christie’s Hồng Kông bán đấu giá nếu tôi muốn. Còn những bức tranh được các nhà sưu tập kia cho là thật có dám đưa vào Christie’s đấu giá không? Tôi mong rằng bộ sưu tập “Những kiệt tác từ châu Âu về” của tôi được công chúng đón nhận công bằng và sáng suốt”. Cũng xin nói thêm, khi tiếp xúc với Thanh Niên, vợ chồng ông Vũ Xuân Chung đã đem hồ sơ của 17 bức tranh mua từ nước ngoài về, mỗi bộ đều có hình chụp bức tranh, có đóng 2 con dấu xác nhận tranh thật của ông Hubert (trên mép ảnh chụp tranh) và con dấu của Lãnh sự Pháp tại TP.HCM.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (cũng là một nhà sưu tập đồ cổ) bày tỏ sự ủng hộ và cảm thông với việc làm của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung: “Chuyện tranh thật - giả thì rất nhiều ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, để thẩm định xác thực thì phải thành lập một hội đồng thẩm định thật uy tín để ai cũng tâm phục, khẩu phục - điều này rất khó! Và cũng nên ủng hộ những người hết sức tâm huyết như anh Chung, đã bỏ ra những số tiền không nhỏ để mua (cũng có khi là mua nhầm) những bức tranh VN từ nước ngoài mang về với một sự tự hào chính đáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.