Thạc sĩ Đỗ Xuân Tịnh, Trưởng khoa Mỹ thuật Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Thời lượng dành cho những môn nghệ thuật ở các trường phổ thông hiện nay rất ít. Mỗi tuần chỉ dạy 1 tiết (45 phút), nhưng thời gian dạy thực sự không còn bao nhiêu vì GV ổn định lớp học xong thì đã gần hết giờ. Những GV học ngành sư phạm mỹ thuật từ Trường ĐH Sài Gòn thường phản ánh cứ đến các giờ học nghệ thuật là HS bắt đầu đùa nghịch, không tập trung học, thầy cô phải nghĩ ra đủ trò để thu hút nhưng vẫn không hiệu quả”. Theo thạc sĩ Xuân Tịnh, sở dĩ HS coi thường, không chịu học là vì môn này không chấm điểm, chỉ là môn phụ. Phía GV cũng có tâm lý dạy cho có, cho xong nhiệm vụ.
Hiện nay, tại TP.HCM chỉ có các trường: ĐH Sài Gòn, CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM là có các ngành học sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc cung cấp nguồn GV nghệ thuật cho các trường phổ thông. Ông Đàm Hoàng Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi tuyển chọn những thí sinh thực sự có năng khiếu về mỹ thuật và hội họa vào các ngành học này. Điểm năng khiếu phải đạt từ 5 trở lên”.
Theo thạc sĩ Lâm Trúc Quyên, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường ĐH Sài Gòn, mỗi năm có khoảng 400 thí sinh đăng ký xét tuyển ngành sư phạm âm nhạc nhưng chỉ tiêu chỉ có 30.
Tuy nhiên có một thực tế rất nhiều GV âm nhạc, mỹ thuật dạy học chỉ là phụ, nhiệm vụ chính lại ở công việc khác. Chẳng hạn GV âm nhạc thì công việc chính là công tác Đội… Bên cạnh đó, có tình trạng một số sinh viên theo học ngành sư phạm âm nhạc hay sư phạm mỹ thuật chỉ là do... tình thế bắt buộc, nên ra trường không tâm huyết giảng dạy.
Thạc sĩ Lâm Trúc Quyên cho rằng ở các trường phổ thông nước ngoài, những môn nghệ thuật rất được chú trọng. Nhà trường còn đầu tư xây dựng các phòng chức năng, mua nhạc cụ, tổ chức dàn nhạc và có rất nhiều hoạt động để cuốn hút HS, tạo môi trường sáng tạo để phát triển thẩm mỹ nghệ thuật. Do đó, thạc sĩ Quyên cho rằng muốn HS phát triển toàn diện cả về kiến thức khoa học, văn hóa lẫn nhân cách, tâm hồn thì cần phải đầu tư bài bản cả về chương trình học lẫn thời gian, cơ sở vật chất, tránh làm nửa vời. “Các trường phổ thông quốc tế tại VN đã làm rất tốt điều này. GV có “đất” để truyền thụ cảm hứng âm nhạc, HS cũng có môi trường để phát huy năng khiếu, sự đam mê”, thạc sĩ Trúc Quyên đánh giá.
Về môn mỹ thuật, thạc sĩ Đỗ Xuân Tịnh nhìn nhận: “Không thể bắt các em ngồi trong lớp học, tự tưởng tượng ra một cái cây hay một bức tượng để vẽ. Các em cần được đi dã ngoại để có cảm hứng sáng tạo và kích thích trí tưởng tượng”.
Bình luận (0)