Anh Nguyễn Hoàng Nam sống quanh khu vực cầu Tân Thuận 1 hơn 30 năm qua, anh chia sẻ, mỗi khi anh di chuyển qua lối đi bộ của cây cầu này đều phải rất cẩn thận. Theo đó, anh từng nhiều lần chứng kiến các nhóm người tụ tập mỗi đêm trên cầu. Từ đó, rác thải, cho đến kim tiêm cũng xuất hiện theo, mặc cho trên cầu đều cắm các biển cấm tụ tập cho đến cấm đổ rác.
Kim tiêm, rác thải khắp lối đi bộ trên cầu, người đi đường ‘sợ’ phải đi qua
Được xây dựng vào năm 1905, với chiều dài 241m, rộng 8m, cầu Tân Thuận 1 bắc qua kênh Tẻ, nên khá nhiều phương tiện lưu thông. Và để giảm tải cho cây cầu này, thì TP.HCM đã đưa cầu Tân Thuận 2 vào khai thác năm 2005.
Hiện nay, một số hạng mục của cây cầu cũng đã xuống cấp, xuất hiện tình trạng hoen gỉ từ lan can cho đến chân cầu. Đồng thời, bên hông cầu là các đoạn dây điện nối dài chằng chịt, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.
Trước đó, từ sự cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị thuộc sở tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn cầu, hầm đường bộ ở TP.HCM.
Trong đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các đơn vị lưu ý những cầu cũ, lâu năm, như cầu Tân Thuận 1, Sài Gòn, Bình Triệu 1, Bình Phước 1…
Bình luận (0)