|
Lên xe cùng một người nữa phía sau, chúng tôi bắt đầu vượt núi. Những tưởng con đường phẳng phiu, nào ngờ dốc, cua khúc khuỷu. Đến lưng chừng núi, lén nhìn xuống bên dưới, chúng tôi choáng ngợp bởi vực sâu thăm thẳm. Thấy chúng tôi hốt hoảng, “bác tài” trấn an: “Có gì đâu mà sợ, tụi tôi ngày nào cũng chạy 3 - 4 cuốc, có sao đâu?”. Cũng theo lời “bác tài”, con đường này trước kia là một lối mòn nhỏ, dành cho người dân gánh hàng rẫy. Sau đó, nhờ trúng mùa, các nhà vườn trên núi đã góp tiền mua xi măng, cát đá về đổ để tiện cho việc lên xuống núi. Tuy nhiên, vụ lở đá xảy ra vào đầu tháng 5 vừa qua khiến giao thông chia cắt nên cánh xe ôm bắt đầu “mở đường” sang phía bên đường mòn chùa Phật Nhỏ để hành nghề cho tiện.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống, vậy mà hon da ôm vẫn bườn lên ào ào. Một “quái xế” xe ôm, nói rằng muốn lên nổi mấy khúc dốc này, xe phải “binh lại” pít tông, còn sơ mi phải xếp 8 lá. Ngoài ra, còn phải thay nhông dĩa loại lớn thì xe vượt núi mới mạnh. “Trong các con dốc, cánh xe ôm tụi tôi ớn nhất là dốc gần nhà ông Ba Tùng. Chỗ này có đến 2-3 con dốc cao dựng đứng, đi bộ còn muốn trượt chân, huống chi chạy xe. Chúng tôi cam đoan dân tay ngang chẳng ai dám cầm xe vượt dốc này”, “quái xế” cho biết.
Theo lời các sơn dân, những con đường “tự phát” lên các đỉnh núi rất nguy hiểm vì men theo vách núi cheo leo, chỉ cần một chút sơ sẩy thì cả người và xe sẽ rơi xuống vực. Hơn nữa, thời gian qua xe Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường, nên nhà vườn đã mua loại xe này về “binh” lại để chở hàng hóa lên núi. Việc “binh” xe chỉ làm theo kinh nghiệm, không đảm bảo quy trình kỹ thuật. Do vậy rất cần các ngành chuyên môn thẩm định và có biện pháp căn cơ trong công tác quản lý để đảm đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người.
Bài, ảnh: Trường An
Bình luận (0)