Ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10

26/02/2015 03:00 GMT+7

Đối với nhiều phụ huynh và học sinh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 rất quan trọng. Đặc biệt năm nay, đề thi dự kiến sẽ có nhiều thay đổi theo hướng vận dụng thực tiễn.

Đối với nhiều phụ huynh và học sinh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 rất quan trọng. Đặc biệt năm nay, đề thi dự kiến sẽ có nhiều thay đổi theo hướng vận dụng thực tiễn.

Phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ lớp 10 năm học 2014 - 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ lớp 10 năm học 2014 - 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Để giúp học sinh (HS) đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi lớp 10, các giáo viên hướng dẫn những bước ôn tập, chuẩn bị kiến thức.
Môn toán: Hiểu định lý và nhớ chính xác công thức
Khi ôn tập, HS cần hiểu định lý và nhớ các công thức chính xác. Về đại số, các em cần nắm vững các quy tắc biến đổi, phương pháp giải các dạng bài tập và rèn luyện thường xuyên cho thành thạo. Cần nắm vững quy trình giải phương trình, hệ phương trình, vẽ đồ thị và tìm giao điểm các đồ thị.
Trong phần đại số, đề thi có phần nâng cao thường chiếm 1 đến 1,5 điểm là những bài tập rút gọn và những dạng phương trình chứa tham số có vận dụng định lý Vi ét phức tạp. Do đó, ngoài áp dụng công thức thì HS linh hoạt, sáng tạo những kiến thức để giải quyết những câu hỏi quen nhưng khá phức tạp hoặc những câu hỏi mới lạ.
Về hình học, ngoài việc ôn tập các bài tập để nắm vững hơn kiến thức và phương pháp, HS có thể kiểm tra kiến thức bằng cách nêu câu hỏi quen thuộc cho hình vẽ có sẵn. Khó hơn, HS có thể phát triển hình hoặc kết hợp so sánh các bài toán tương tự để nêu vấn đề cần giải quyết và không quên tìm hiểu cách giải quyết các câu hỏi đó như thế nào. Toán hình học là bài toán tổng hợp, đòi hỏi HS nắm vững kiến thức hình học, các dạng bài tập mà đặc biệt các phương pháp chứng minh có hệ thống trong cả 4 năm học. Nó còn đòi hỏi các em phải có nhiều kỹ năng từ vẽ hình chính xác, phân tích giả thiết, tìm lời giải hay trình bày chính xác.
Trong những năm gần đây, đề bài tập trung vào những dạng chứng minh như: tứ giác nội tiếp, các hệ thức về đoạn thẳng, góc bằng nhau (phân giác), đoạn thẳng bằng nhau (trung điểm), đường thẳng vuông góc và nâng cao hơn có một số dạng như chứng minh 3 điểm thẳng hàng, 3 đường thẳng đồng quy, tính toán hay cực trị hình học…
Đỗ Nguyễn Hoàng Minh
(Giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Luông, Q.6)
Môn tiếng Anh: Lưu ý thì, các cấu trúc câu
Về phần từ vựng và câu hỏi đáp, HS ôn tập dạng thức từ và cách sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh. Về phần ngữ pháp, HS lưu ý các thì, cấu trúc câu như Passive voice, Causative form, Present perfect & Simple past, Wish clause, Too… to/enough/so… that/ such… that, Conditional sentence, Comparison, Adjective & Adverb, Reported Speech, Suggestions…
Trong quá trình ôn tập, về cơ bản HS phải thành thục chia động từ, thuộc chính tả và nghĩa một số từ xuất hiện trong sách giáo khoa. Quan sát, so sánh sự giống/khác trong các cấu trúc ngữ pháp, biết bắt chước hoặc làm lại bài tập đã làm lần đầu, tạo cho mình (hoặc nhờ thầy cô giúp) những kinh nghiệm làm bài. Tự làm đủ bài tập, các phần rèn luyện trước khi được sửa, không thụ động chờ chép bài sửa.
Nguyễn Thị Hòa Thuận
(Giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú)
Môn ngữ văn: Xây dựng hướng ôn tập mới
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi tuyển sinh môn văn năm 2015 - 2016 gồm 2 phần: Phần đọc hiểu (3 điểm) trả lời các câu hỏi tự luận về văn bản trong sách giáo khoa hoặc văn bản ngoài sách giáo khoa có nội dung phù hợp; giải bài tập phát hiện về tiếng Việt; đặt nhan đề mới cho văn bản, hoặc viết tiếp phần kết thúc mới cho một văn bản có sẵn. Phần tự luận (7 điểm) gồm phần nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Trong đó, phần nghị luận xã hội có thể là yêu cầu về một vấn đề đạo lý tư tưởng hoặc một sự việc hiện tượng xã hội phù hợp với lứa tuổi. Còn phần nghị luận văn học là yêu cầu phân tích các văn bản đã học trong chương trình.
Điểm khác biệt giữa cách ra đề cũ và mới chính là ở phần nội dung và yêu cầu của đề. Nếu phần đọc hiểu của đề thi cũ có khoảng 1 điểm cho phần học thuộc lòng thì năm nay phần điểm ấy không còn nữa. Yêu cầu của phần tự luận cũng không còn đơn giản là tạo lập một văn bản theo nội dung yêu cầu mà được kết hợp với các kỹ năng khác như áp dụng vào một tình huống cụ thể trong đời sống, hoặc cũng có thể so sánh, liên hệ với các văn bản trong hoặc ngoài chương trình để từ đó rút ra những vấn đề mang tính khái quát về nội dung và hình thức văn học.
Với hướng ra đề như vậy, HS cần chuẩn bị cho mình một hướng ôn tập mới. Trên các kiến thức cơ bản được học từ sách giáo khoa, các HS hãy tập luyện kỹ năng nhận biết và vận dụng các kiến thức ấy vào quá trình giải quyết các câu hỏi của đề. Cụ thể, đối với phần văn bản, HS cần nắm được nội dung của văn bản rồi mới đến kỹ năng phân tích, cảm thụ. Trong quá trình học, nên tìm hiểu mở rộng, liên hệ với những văn bản trong và ngoài chương trình có nét tương đồng. Các văn bản cùng chủ đề nên được xâu chuỗi thành hệ thống.
Phần tiếng Việt, các em không nên quá nặng nề trong việc học thuộc lòng các khái niệm mà nên từ các khái niệm ứng dụng vào giải các dạng bài tập tương tự các dạng bài tập sách giáo khoa cung cấp.
Hướng ra đề ngày càng mở và thực tế, các dạng văn nghị luận xã hội ngày càng đề cập gần hơn với các hiện tượng trong cuộc sống. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng viết văn nghị luận, HS cần cập nhật thường xuyên các vấn đề mang tính thời sự trong xã hội. Các em cần quan sát cuộc sống xung quanh, nắm bắt các quan điểm khác nhau trong xã hội để có được những nhận xét của riêng mình.
Đoàn Thị Nhung
(Giáo viên Trường THCS Phạm Hữu Lầu, Q.7)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.