Theo 2 đề thi tham khảo, có thể thấy, phần đọc hiểu văn bản (3 điểm) giống với cấu trúc đề thi các năm trước, với 1 văn bản và 4 câu hỏi theo mức tăng dần độ khó. Tuy nhiên, cả 2 văn bản đều ngắn gọn, các câu hỏi cũng đơn giản hơn, dễ có điểm hơn và giống nhau về yêu cầu. Để làm tốt phần này, thí sinh (TS) cần đọc kỹ và bám sát văn bản. Với câu 1, chú ý từ “chính” vì chỉ được trả lời 1 phương án, nắm vững kiến thức về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, các phép liên kết; các phép tu từ, thể thơ (nếu đề cho văn bản thơ). Câu 2 đòi hỏi TS bám sát văn bản để tìm ý và trả lời càng đầy đủ càng tốt. Câu hỏi 3 cũng yêu cầu TS dựa vào văn bản để giải thích thấu đáo. Với câu 4, phải có chính kiến rõ ràng. Chẳng hạn, với câu hỏi “đồng tình hay không” (đề lần 1), TS nên trả lời cả 2 mặt và phải lý giải thấu đáo.
Mặc dù theo đáp án của đề thi các kỳ thi THPT quốc gia, với đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ), TS phải viết đúng vào trọng tâm yêu cầu của đề. Tuy nhiên thực tế khi chấm thi, giám khảo thường cho điểm cao đối với những bài vừa làm đủ ý vừa có thêm phần mở rộng, liên hệ… Cách làm như sau: Khi đọc xong đề, TS ghi ra giấy nháp những ý trọng tâm cần trả lời bằng các gạch đầu dòng. Sau đó, dựa vào dàn ý và các từ ngữ liên kết để viết thành đoạn văn.
Với câu nghị luận văn học, ngoài chương trình học kỳ 1, TS cần chú ý các tác phẩm bắt buộc và tự học có hướng dẫn ở học kỳ 2 của lớp 12… Khi ôn, TS nên hệ thống theo thể loại tác phẩm và chú ý các đặc trưng của nó. Cần đọc kỹ tác phẩm để tóm tắt và hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật. TS cần rèn cách xây dựng một dàn bài hợp lý khi triển khai. Nắm vững giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm; phong cách nghệ thuật, bút pháp của tác giả. Ngoài ra, TS cần rèn thêm các kỹ năng như diễn đạt, so sánh, cách đưa dẫn chứng liên hệ vào bài làm.
Bình luận (0)