Thủ khoa chia sẻ: Ôn thi là 'ngựa chạy đường dài'

19/02/2023 07:38 GMT+7

Đó là lời nhắn gửi của các thủ khoa tại chương trình Tư vấn mùa thi 2023 diễn ra tại Bình Dương hôm qua (18.2).


Thủ khoa khối C chia sẻ bí quyết ôn thi đạt điểm cao cho học sinh THPT

Tô Minh Thư, thủ khoa khối B (từng học Trường THPT Trần Văn Bảy, Sóc Trăng) năm 2020 (với 27,25 điểm, đang là sinh viên ngành Y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết điều quan trọng là phải tái thiết lập đồng hồ sinh học trước kỳ thi.

Theo đó, trước kỳ thi 1 tháng trở lên học sinh nên học bài, luyện đề vào khung giờ bản thân thấy thoải mái nhất, tùy vào sức khỏe, môi trường, sự tập trung. Nhưng đúng một tháng trước khi thi, lịch học các môn xét tuyển cần thay đổi sao cho trùng với giờ thi chính thức. Chẳng hạn nếu sáng thi vật lý, hóa học, sinh học thì thời điểm đó hằng ngày thí sinh nên mang tài liệu những môn đó ra học.

Ôn thi là “ngựa chạy đường dài” - Ảnh 1.

Thủ khoa Phan Thị Hương (bìa phải) chia sẻ với các học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Mỗi người đều có đồng hồ sinh học, cứ tới khoảng thời gian nhất định sẽ tỉnh dậy hoặc buồn ngủ, và việc học cũng tương tự. Ta phải tập cho cơ thể có một "thời điểm vàng" với từng môn để lúc vào phòng thi não sẽ tự động nhận thức và hoạt động hết công suất", nữ sinh viên y khoa từng đoạt giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa và huy chương đồng Olympic 30/4 mở rộng môn hóa, lý giải.

Đồng thời, theo Thư, không phải vì ôn thi mà quên ăn, quên ngủ. Cần ngủ tối thiểu 7-8 tiếng mỗi ngày. Khi thiếu ngủ, cơ thể mệt mỏi, từ đó giảm hiệu suất, về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. "Ôn thi là "ngựa chạy đường dài", nếu "hết hơi" vào phút cuối, tất cả sẽ trở thành công cốc", Thư cảnh báo.

"Đừng vì những lo lắng mà đánh mất đi cơ hội" là chia sẻ của Phan Thị Hương, thủ khoa khối C toàn tỉnh Hà Tĩnh và thủ khoa đầu vào khối C của Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2021 với số điểm ngữ văn 9,25, lịch sử 9,75 và địa lý 9,75. Nữ sinh viên khoa Báo chí - truyền thông cho biết trước đây mình không phải là học sinh quá xuất sắc, cũng không phải là học sinh giỏi cấp tỉnh hay quốc gia, tuy nhiên nhờ mục tiêu rõ ràng, lộ trình ôn tập khoa học cộng thêm một chút may mắn, bạn đã trở thành thủ khoa.

Ôn thi là “ngựa chạy đường dài”  - Ảnh 2.

Tô Minh Thư

NGỌC LONG

"Thời gian này rất quan trọng. Bạn hãy ngồi lại và xem mình thích nhất là ngành nào, trường nào. Ngoài việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH thì hiện nay các trường cũng có nhiều phương thức tuyển sinh khác, các bạn hãy cân nhắc", Hương cho biết.

Đồng thời, theo Hương, khi bạn đã có đam mê thật sự và quyết tâm thì đừng vì những lo lắng nhỏ mà đánh mất cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Cô lấy ví dụ trong mấy năm gần đây điểm chuẩn đầu vào khoa Báo chí - truyền thông của Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM tăng rất cao, có năm 28,25 mới đậu. Nhiều bạn vì thế mà rụt rè không dám để nguyện vọng 1 là Báo chí - truyền thông. Tuy nhiên đến khi báo điểm thì bạn lại dư điểm để đậu, nhưng không thể vào học vì nguyện vọng 1 của bạn đã là một ngành khác.

"Hãy tự tin với kiến thức của mình. Đừng vì những lo lắng nhỏ mà đánh mất đi cơ hội trúng tuyển ngành mình yêu thích", thủ khoa quê ở Hà Tĩnh cho biết. Đồng thời, tại chương trình Tư vấn mùa thi hôm qua, Phan Thị Hương cũng chia sẻ với các bạn học sinh cách sắp xếp, đặt thứ tự các nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.