Ông Biden công bố 'kế hoạch táo bạo' cải tổ Tòa án Tối cao Mỹ

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
30/07/2024 08:42 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29.7 đã đề xuất những thay đổi toàn diện trong hệ thống Tòa án Tối cao.

Ông Biden cho biết sẽ làm việc với quốc hội để thông qua những cải cách, bao gồm giới hạn nhiệm kỳ và bộ quy tắc ứng xử.

"Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao đã hủy bỏ các tiền lệ pháp lý lâu đời bảo vệ các quyền cơ bản. Tòa án đã hủy bỏ các biện pháp bảo vệ quyền công dân, tước bỏ quyền lựa chọn của phụ nữ và giờ đây đã trao cho các cựu tổng thống quyền miễn trừ rộng rãi khỏi bị truy tố đối với những tội danh mà họ phạm phải khi còn đương chức", theo thông cáo từ Nhà Trắng ngày 29.7.

Theo đó, "kế hoạch táo bạo" mà Tổng thống Biden đề xuất là giới hạn nhiệm kỳ thẩm phán Tòa án Tối cao thành 18 năm, thay vì trọn đời như trong Hiến pháp, và tổng thống đương nhiệm cứ 2 năm sẽ chọn ra một thẩm phán mới.

Ông Biden công bố 'kế hoạch táo bạo' cải tổ Tòa án Tối cao Mỹ- Ảnh 1.

Tổng thống Biden phát biểu tại thành phố Austin, Texas ngày 29.7

REUTERS

“Chủ nghĩa cực đoan đang làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các quyết định của tòa án”, ông Biden phát biểu tại Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở thành phố Austin, bang Texas (Mỹ) ngày 29.7.

Hầu hết quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều có giới hạn nhiệm kỳ hoặc độ tuổi nghỉ hưu với thẩm phán tòa án tối cao, theo Reuters.

Động thái của Tổng thống Biden xuất hiện sau những phán quyết quan trọng từ Tòa án Tối cao, bao gồm lật ngược quyền phá thai của án lệ Roe v Wade năm 2022.

Ông Biden còn kêu gọi sửa đổi hiến pháp để đảo ngược phán quyết quan trọng của Tòa án Tối cao hồi tháng 7. Hội đồng thẩm phán khi đó xác định các cựu tổng thống được hưởng quyền miễn tố với hoạt động công vụ, song quyền này không áp dụng với các hành động cá nhân. Điều này khiến quá trình xét xử cựu Tổng thống Donald Trump với cáo buộc tìm cách lật ngược bầu cử năm 2020 bị trì hoãn.

Theo thông cáo Nhà Trắng, đề xuất sửa đổi sẽ nhấn mạnh Hiến pháp không trao quyền miễn trừ cho quá trình ra cáo trạng, xét xử, tuyên án những vụ hình sự liên bang với một cá nhân chỉ vì trước đây người đó từng giữ chức tổng thống.

Từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Biden nói chuyện 'truyền đuốc'

Với bộ quy tắc ứng xử, ông Biden đề xuất các thẩm phán phải tiết lộ quà cáp được nhận, hạn chế hoạt động chính trị công khai và không tham gia những vụ án mà bản thân họ hoặc vợ/chồng có xung đột lợi ích.

Không giống những thành viên khác trong hệ thống tư pháp liên bang, thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ không có bộ quy tắc ứng xử ràng buộc. Hiện tòa có 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán cấp tiến.

Tòa án hồi tháng 11.2023 đã thông qua bộ quy tắc ứng xử đầu tiên sau khi thẩm phán Clarence Thomas bị phát hiện đã không công khai vụ chấp nhận chuyến du lịch từ một nhà hảo tâm giàu có.

Giới quan sát nhận định đề xuất của ông Biden rất khó được thông qua, khi đảng Dân chủ kiểm soát thượng viện với chênh lệch không cao, trong khi phe Cộng hòa đang chiếm đa số tại hạ viện.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson coi đề xuất của ông Biden làm mất tính hợp pháp của tòa án và khẳng định sẽ không phê chuẩn. Về lý thuyết, để đề xuất được thông qua thì ông Biden cần hai phần ba số nghị sĩ ở hai viện quốc hội đồng ý, hoặc tổ chức một hội nghị liên bang và được 38 trong số 50 tiểu bang phê chuẩn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.