Ứng viên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn năm nay 59 tuổi, quê quán tại P.Tây Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ông công tác trong ngành ngoại giao hơn 30 năm, là một chính khách dày dạn, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, kinh tế quốc tế và đàm phán quốc tế.
Theo lý lịch được Bộ Ngoại giao công khai, ông có vợ (là một dược sĩ cao cấp) và một con gái.
Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lần đầu vào tháng 11.2009, khi 47 tuổi, là một trong những thứ trưởng trẻ tuổi của Bộ Ngoại giao. Ông là Uỷ viên T.Ư Đảng khoá XII và XIII; đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Ông Sơn có hơn 1 năm học tiếng Nhật tại Nhật Bản, học thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia (Mỹ). Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật.
Cả sự nghiệp gắn bó với ngành ngoại giao, ông Sơn đã trải qua nhiều vị trí tại Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Vụ Chính sách Đối ngoại Bộ Ngoại giao trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Như vậy, sau 15 năm, từ năm 2006 đến nay, Bộ Ngoại giao mới có một ứng viên Bộ trưởng không phải là Phó thủ tướng kiêm nhiệm.
Nhiệm kỳ 2006 - 2011, người đứng đầu ngành ngoại giao là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Từ năm 2011 đến nay, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Minh đảm nhận cương vị này 1 nhiệm kỳ với tư cách Ủy viên T.Ư và 1 nhiệm kỳ với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị.
Nếu được bổ nhiệm, tiếp bước người tiền nhiệm Phạm Bình Minh sau 1 nhiệm kỳ đối ngoại hết sức thành công, ông Sơn và ngành ngoại giao sẽ phải đối mặt với thách thức của một thế giới đầy biến động, đang chuyển mình để sắp xếp một trật tự mới.
Trong bài viết mới đây về đường lối đối ngoại, ông Sơn nhấn mạnh, chỉ có độc lập tự chủ, Việt Nam mới có thể hội nhập quốc tế thành công, phát huy đầy đủ thế mạnh, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, xử lý được các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong môi trường đầy bất định, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay.
Cũng theo ông Sơn, tư duy về đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam có những bước phát triển mới. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, đồng thời cần “tạo thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy”.
Đối ngoại đa phương cần “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế”, và “trong những vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”.
Tư duy về không gian và các trọng điểm chiến lược của đất nước cũng được thể hiện rất rõ, đó là các nước láng giềng, khu vực tiểu vùng Mê Kông, ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương, các nước lớn và các đối tác quan trọng…
|
Bình luận (0)