“Ông Bụt” của học trò nghèo

27/03/2012 03:29 GMT+7

Vợ mất sớm, một mình “gà trống nuôi con” ăn học, khi con cái đã trưởng thành, những tưởng ông sẽ có thời gian sống an nhàn, nhưng rồi trước những số phận bất hạnh tại mảnh đất quê hương, ông lại lao vào làm việc.

>> Tay không truy bắt tội phạm có súng

Ở vùng đất “cày lên sỏi đá” này, mọi người đều biết đến ông Võ Thân - Chủ tịch Chi hội Khuyến học Trường THPT Trần Đại Nghĩa (H.Quế Sơn, Quảng Nam) như một “ông Bụt” của học trò nghèo. Hằng năm, từ số tiền dành dụm được, ông dè xẻn tiết kiệm để hỗ trợ các em có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Có dịp về đây nghe những câu chuyện người dân kể về ông thật xúc động: Một lần vào TP.HCM thăm cháu, ông được người con trai cả mua một chiếc vé máy bay để về quê cho  khỏe. Thế nhưng, khi ra tới quầy thủ tục, ông một mực đề nghị tự mình vào làm… rồi chờ lúc bóng con trai vừa khuất, ông vội vàng trốn ra kêu xe ôm xuống Bến xe Miền Đông. Chuyến đi “chui” đó được hoàn vé gần 1,5 triệu đồng, ông dành đem tặng đủ cho 2 học sinh nghèo trang trải học phí.

 
Ông Võ Thân (trái) luôn say mê với công việc làm từ thiện - Ảnh: Lê Công Sơn

 

Thầy Phạm Phú Cứ - Hiệu trưởng Trường Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn): “Mặc dù không có con em đang học tại trường nhưng tấm lòng của ông Võ Thân đối với học trò nghèo ở địa phương thật đáng trân trọng. Đồng hành với ông nhiều trong công tác xã hội từ thiện, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê và sự hết lòng của ông trong công việc. Nhờ ông mà có rất nhiều học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo ở quê mới tiếp tục được đến trường”.

Một lần ông Võ Thân đi tàu lửa từ Đà Nẵng vào miền Nam để gặp gỡ con em đồng hương vận động tiền học bổng, người soát vé tàu thấy ông đã cao tuổi mà ngồi ở hàng ghế cứng giữa đống hành lý ngổn ngang nên cảm thấy xót lòng. Anh buột miệng hỏi: “Sao lớn tuổi mà lúc đi bác không nói con cái mua cho cái ghế mềm để ngồi đỡ đau lưng”, ông cười, trình bày lý do là đi xin tiền cho học sinh nên phải tiết kiệm. Quá bất ngờ, anh soát vé đã linh động giải quyết ông vào nằm trên một chiếc giường còn trống, như đóng góp một chút vào công tác  khuyến học ở quê làm ông thấy rất vui.

Với tình thương yêu con trẻ, mặc dù tuổi tác đã cao, sức khỏe không cho phép nhưng mỗi khi nghe nơi đâu có trường hợp học sinh nào gặp hoàn cảnh khó khăn, ông đều đến tận nơi để tìm hiểu, rồi ngồi tự tay viết thư cho các nhà hảo tâm quen biết để vận động. Nhờ uy tín và lòng nhiệt thành của mình, ông đã thuyết phục được nhiều mạnh thường quân cùng “chung tay góp sức”, thực hiện trao tặng được hàng trăm chiếc xe đạp, máy vi tính và học bổng cho học sinh nghèo với số tiền hàng trăm triệu đồng. Vừa qua, ông còn xây dựng một chương trình từ thiện “Nồi cơm tình thương” cho 30 em ở lại trường để không có em nào phải nhịn đói. Cảm động nhất là dù nhà ở xa nhưng buổi trưa nào ông cũng xuống túc trực để tận tay lo cho học sinh từng bữa ăn như một người cha tận tụy. Ông tâm sự: “Nhìn công trình bao nhiêu năm ao ước nay mới thành hiện thực tôi mừng muốn rớt nước mắt. Ở quê này, cuộc sống còn khó khăn nên dù vất vả mấy tôi phải luôn cố gắng lo, bởi để một em học sinh nào nghỉ học là tôi cảm thấy đau lòng lắm”.

Đến thăm gia đình em Nguyễn Thị Vân Anh (lớp 7 Trường tiểu học Quế Phong, H.Quế Sơn), chúng tôi nghe kể nhiều về tấm lòng của “ông Bụt” Võ Thân. Nếu như không có ông chắc mẹ con em Vân Anh sẽ không có ngày hôm nay. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bệnh tật quanh năm, nhà nghèo đến mức cái xe đạp cũng không có để đi, có lúc Vân Anh tưởng chừng phải nghỉ học. Hay tin, “ông Bụt” lại lò dò đạp xe hàng chục cây số tới thăm hỏi động viên em. Chưa xin được xe đạp mới, ông về nhà lấy trước chiếc xe đạp cũ của đứa cháu mang đi sửa để Vân Anh có phương tiện đi lại. Rồi ông còn vận động thêm người thân, bạn bè xây dựng cho mẹ con em căn nhà mới trị giá gần 50 triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa. Mỗi khi có hoàn cảnh hoạn nạn nào ở quê bà con cũng đều tìm đến ông. Mới đây nhất là cha con ông thợ hồ ở xã Quế Minh bị sập giàn giáo bị chấn thương sọ não, có đứa con trai chẳng may bị bệnh thận cần phải chạy chữa gấp nếu không sẽ khó qua khỏi. Hay tin, ông vội vàng chạy thuê thợ chụp hình, gọi điện nhờ đăng báo. Nhờ vậy mà một tổ chức từ thiện biết được đã về tận nơi đưa con người thợ hồ ra Huế điều trị, còn người cha có thêm tiền bạn đọc hỗ trợ để mua thuốc men chạy chữa, đến nay dần qua khỏi cơn nguy kịch. Trường hợp ở thị trấn Đông Phú một gia đình có 4 đứa con đều bị bệnh tâm thần nặng, ông Thân tự bỏ tiền túi ra giúp đỡ nhưng vẫn giấu không cho con cháu biết. “Có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi với công việc nghĩa của mình không”? Ông Võ Thân cười: “Từ lúc mê nó đến giờ tôi chưa bao giờ nản. Vì đơn giản là việc tôi làm được rất nhiều người ủng hộ. Từ những trân trọng của xã hội như anh soát vé vô tình gặp trên tàu hỏa đã khiến tôi gắn bó với công tác này cho đến mãi tận giờ”.

Giữa thời buổi “cơm áo gạo tiền” bộn bề, việc làm của ông Võ Thân thường hay bị mọi người gọi đùa là “vác tù và hàng tổng” nhưng cuộc đời này đang ngày càng tốt đẹp và ý nghĩa hơn khi có những “ông Bụt” luôn tận tâm với người nghèo như thế.

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.