Ông Chín Cần đổi mới vì dân

Ông Nguyễn Văn Chính, người của đổi mới, của "xé rào" phát triển với khát vọng dân giàu, nước mạnh đã ra đi. Thanh Niên trân trọng giới thiệu loạt bài của PGS-TS Phan Xuân Biên viết về ông...

Ông Nguyễn Văn Chính, thường gọi thân mật là chú Chín Cần, có một đời hoạt động cách mạng phong phú, diễn ra nhiều nơi, trong nhiều thời kỳ nhưng có thể nói phần lớn gắn liền với vùng đất Long An trung dũng kiên cường.
Từng bị “thổi còi” vì “xé rào”
Ông Chín Cần được rèn luyện và trưởng thành trong kháng chiến, một lòng một dạ vì dân, phục vụ dân. Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Long An cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng đất nước với nhiều khát vọng và niềm tin, ý chí lớn. Nhưng cũng trong thời kỳ này lại có những nóng vội, va vấp, chủ quan duy ý chí, không tuân theo quy luật khách quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của thời kỳ lịch sử mới.
Một trong những lĩnh vực tiêu biểu trở thành sự nhức nhối của cả nước cũng như của Long An là vấn đề phân phối lưu thông. Việc “ngăn sông cấm chợ” vừa cản trở sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Nhà nước không nắm được nguồn hàng, ngân sách, tiền mặt bị bội chi, giá cả hàng hóa ngoài thị trường tăng, đời sống người lao động, công nhân viên, lực lượng vũ trang... gặp nhiều khó khăn. Tình trạng “ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước” xảy ra ở mọi nơi. “Việc nhà” ở đây là lo gạo, muối, mắm để sống...
Điểm mấu chốt trong khó khăn, bế tắc về phân phối lưu thông là sự bất hợp lý về giá cả. Nhà nước định giá cho mọi loại hàng hóa luôn thấp hơn giá thị trường 3 - 4 lần nên hàng luôn được tuồn ra thị trường, dẫn đến tình trạng nhà nước không đủ số lượng hàng hóa cần thiết để phân phối theo chế độ bao cấp. Nhận thức rõ thực tế này, bắt đầu từ năm 1977, Tỉnh ủy Long An do ông Chín Cần làm bí thư đã chỉ đạo giao cho ngành thương nghiệp quốc doanh mua một số mặt hàng nông sản chủ yếu theo giá cao, xấp xỉ giá thị trường, để bán cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở TP.HCM, đổi lấy hàng công nghiệp đưa về phục vụ nhu cầu đời sống của người dân và phát triển kinh tế của tỉnh.
Song cái mới, cái sáng tạo dù do nhu cầu cuộc sống của người dân và sự phát triển xã hội cũng không phải dễ dàng được chấp nhận. Chủ trương “xé rào” của Long An đã bị cấp trên “thổi còi”, cấm tiếp tục thực hiện. May mà Hội nghị T.Ư lần thứ 6 khóa 4 năm 1979 ưu tiên bàn về cơ chế, chính sách kinh tế, đã tạo điều kiện cho “sản xuất bung ra”, sau này được coi là bước đột phá đầu tiên của quá trình tìm đường đổi mới. Tỉnh ủy Long An coi đây là thời cơ để thực hiện ý tưởng trước đây của tỉnh về “cơ chế một giá”.
Kiên trì vì lợi ích của dân
Rút kinh nghiệm lần “xé rào” trước đây, lần này Tỉnh ủy Long An vạch ra một chương trình căn bản với lộ trình cụ thể để xin ý kiến một số lãnh đạo chủ chốt của T.Ư, sau đó báo cáo trực tiếp với Tổng bí thư Lê Duẩn và được chấp thuận cho làm “thí điểm”. Ngày 23.5.1980, Tỉnh ủy Long An ra nghị quyết về chuyển thương nghiệp sang kinh doanh trên cơ sở một giá thích hợp, họp bàn về phương thức mua bán theo truyền thống “thuận mua vừa bán”. Đặc biệt là biện pháp thu mua nông sản, lương thực, thực phẩm vừa có lợi cho dân, vừa thu được nguồn hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống; đồng thời lập đề án cải tiến phân phối, sản xuất, lưu thông, đổi mới cách thu mua, phân phối vật tư, hàng hóa theo giá thỏa thuận (thường thấp hơn giá thị trường tự do từ 5 - 15%), xóa bỏ chế độ cung cấp hàng hóa theo giá chỉ đạo bằng tem phiếu, xác định mức bù giá bằng 150% mức lương chính...
Tất cả những việc làm trên phản ánh đúng sự quyết tâm của Đảng bộ Long An dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính trong việc đột phá vào lĩnh vực phân phối lưu thông, góp phần đầu tiên vào đổi mới cơ chế, quản lý kinh tế...
Quả thực, cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ để thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội cách đây khoảng 4 thập niên đã không đơn giản và trong một thời gian dài đã “bất phân thắng bại”. Trong bối cảnh đó, những cán bộ, đảng viên như ông Chín Cần vốn từ nhân dân mà ra, được nhân dân chở che, đùm bọc trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đã luôn giữ vững lời thề phục vụ lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân. Ông đã bám sát thực tế, coi thực tiễn là người thầy kiểm nghiệm khách quan và nghiêm khắc nhất, đã năng động dám làm, dám chịu trách nhiệm, tìm mọi giải pháp dù mang tiếng “xé rào” để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân. Cải tiến, đổi mới trong lĩnh vực lưu thông phân phối của Long An chính là kết quả của tư duy và tinh thần đó.
Thành tích nổi bật của "đêm trước đổi mới"
Chỉ sau 4 tháng thực hiện chủ trương mới, trong vụ hè thu năm 1980, Long An đã thu mua được 25.000 tấn thóc, gấp 2,5 lần năm 1979, nông sản thực phẩm mua được gấp 5 lần năm 1979. Và qua một vài năm, nhà nước dường như đã nắm phần lớn lượng hàng hóa nông sản thực phẩm so với thị trường tự do. Chỉ sau 2 tháng bù giá vào lương, cuối năm 1980 đã có hơn 300 công nhân viên xin nghỉ việc trước đó quay trở lại làm việc; người lao động có tiền lương để chủ động hơn trong cuộc sống, không phải lo tích trữ hàng như trước đây. Đặc biệt, nhờ mua và bán vượt kế hoạch nên nộp lương thực cho T.Ư năm 1983 đạt 126% kế hoạch; lợi nhuận thương nghiệp tăng từ 2,4 triệu (1980) lên 52 triệu (1983); đối tượng vi phạm chính sách phân phối lưu thông giảm từ 120 vụ (1977) xuống còn 47 vụ vào năm (1982).
Rõ ràng, Đảng bộ Long An đã tạo nên sự đột phá quan trọng trong lĩnh vực phân phối lưu thông, dũng cảm chấp nhận sự phê phán, định kiến và thách thức để mở đầu tiến trình cải cách giá ở các tỉnh, thành khác và trong cả nước. Đó là một thành tích nổi bật của tập thể Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tỉnh Long An vào “đêm trước đổi mới”, trong đó có vai trò, công lao lớn của ông Nguyễn Văn Chính - người tích cực đổi mới vì dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.