Gặp nhiều đạo diễn, ai cũng bảo ông là một chủ nhiệm "dễ thương nhất trên đời", "kiểu nào cũng chiều"... Ông là chủ nhiệm phim Long Hải - người hỗ trợ quan trọng cho sự hình thành suôn sẻ của nhiều bộ phim.
Vừa về lại Sài Gòn sau nửa tháng rong ruổi qua các tỉnh miền Tây Nam bộ để tìm bối cảnh cho phim Cây sầu đâu sinh đôi (kịch bản: Trúc Phương - Nguyễn Trọng Nghĩa; đạo diễn: Phạm Ngọc Châu), chủ nhiệm phim Long Hải buông câu thở than: "Khó quá. Không thể tìm đâu ra một cây sầu đâu cổ thụ lại nằm cạnh một tháp cổ. Tìm được một cây đã muốn chết rồi, lấy đâu ra cây sinh đôi bây giờ?!". Nói rồi ông cười khà khà, trông khuôn mặt phúc hậu như một lão nông...
Diễn viên Long Hải đến với nghề chủ nhiệm phim có chút tình cờ. Vốn là diễn viên của đoàn kịch nói Kim Cương, năm 1994 khi vở kịch Trà Hoa Nữ được dựng thành phim, Long Hải vừa đảm nhiệm vai trò diễn viên vừa lo công việc hậu cần. Cái nghề "làm dâu trăm họ" manh nha từ đó. Nhưng Long Hải chính thức "lên đời" chủ nhiệm là từ năm 1998. Năm đó đạo diễn Ðinh Ðức Liêm làm Người đàn bà yếu đuối (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn) với chủ nhiệm phim Huỳnh Hiệp, còn Long Hải là phó chủ nhiệm. Khi phim đang quay nửa chừng thì Huỳnh Hiệp bị đột tử. Tình thế khẩn cấp phải đưa Long Hải lên thay.
|
Từ đó đến nay làm chủ nhiệm bao nhiêu bộ phim ông không nhớ hết. Nếu chỉ tính những phim truyền hình mà ông làm chủ nhiệm gần đây có thể nói ông thuộc loại "đắt sô". Ðó là phim Taxi, Ngã rẽ, Mẹ và con trai, Công nghệ thời trang, Ðỗ quyên trong mưa, Ðồng quê... (đã chiếu); Màu xanh đôi mắt... (sắp chiếu) và phim đang chuẩn bị quay thì rất nhiều, trong đó có phim Cây sầu đâu sinh đôi sắp bấm máy vào cuối tháng này.
"Ôi, cái nghề làm chủ nhiệm phim hả, biết nói sao cho đúng đây? Kêu là "làm dâu trăm họ" cũng đúng, còn nói cho oai thì giống như làm... chính trị viên trung đội. Nghĩa là vừa lo đối ngoại vừa lo đối nội. Vừa tạo không khí vui vẻ, đoàn kết giữa mấy chục con người, vừa phải tính toán thực hiện công việc trôi chảy nhịp nhàng" - Long Hải tâm sự về nghề chủ nhiệm phim như vậy. Và đối với ông, để làm một chủ nhiệm giỏi nhất định phải áp dụng "ba cùng": "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với đoàn suốt thời gian làm phim.
Gần 20 năm làm nghề chủ nhiệm phim, đi khắp mọi miền đất nước, gặp biết bao buồn vui, nhưng trăn trở nhất đối với ông chính là việc tìm bối cảnh làm phim. "Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi lần quay ở một cửa hàng vật liệu xây dựng, ban đầu người ta niềm nở bao nhiêu thì sau người ta bực bội bấy nhiêu, người ta đã đuổi mình đi, nhưng mình năn nỉ xin quay cho hết. Thế là sau hai tuần quay, khi tôi nói lời cảm ơn thì bà chủ quay mặt đi chỗ khác, không thèm nhìn, không thèm ừ hử. Tôi cứ đứng đó chặp lâu, lặp lại lời cảm ơn, rồi lủi thủi bỏ đi" - Long Hải kể.
"Làm phim rất cực khổ, khi làm thì mong cho xong để nghỉ. Nhưng nghỉ vài bữa thì thấy như... khó ở trong người, lại muốn đi. Nói thật là bây giờ tôi rất thích làm phim khó, phim càng khó càng muốn làm, làm cho bằng được" - Long Hải bộc bạch vậy và giải thích thêm: "Phim khó không chỉ để thử thách mình trong công việc, mà qua phim được học về văn hóa Việt Nam. Thích lắm!".
Cũng chính vì biết ông rất "chịu thương chịu khó" mà hầu hết nhà sản xuất, đạo diễn đều muốn mời ông làm chủ nhiệm. Thậm chí có đạo diễn chấp nhận lùi thời gian bấm máy để chờ ông. Còn ông thì chưa bao giờ nề hà. Lúc nào cũng "say" theo đạo diễn, muốn làm phim cho "tới bến", không ít lần "tiền cạn mà phim còn dài" khiến chủ nhiệm lao đao. Số tiền khoảng 2 triệu đồng/tập phim cho vai trò chủ nhiệm cũng không phải nhiều nhặn gì mà phim cứ vượt dự toán, nhiều người... dọa ông: "Có ngày phải bán nhà". Còn Long Hải thì cười hiền khô, trong khoảnh khắc ánh mắt chợt xa xăm, như đang nhớ đến một cảnh trí nào đã quay, hay đang nghĩ một nơi nào sẽ đến cho một phim mới bắt đầu.
Xả thân vì công việc Ở Long Hải, cái lớn nhất là nhân cách, ông là người rất trải đời, thạo việc, nhưng khi đối diện với người khác luôn đặt mình ở vị trí khiêm tốn, thậm chí thấp hơn. Với khuôn mặt phúc hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, ông dễ thuyết phục người khác khi xin bối cảnh. Điểm nổi bật nữa là ông rất nghiêm túc trong tài chính. Nhưng điều làm nên một Long Hải thành công trong nghề chủ nhiệm chính là thái độ xả thân vì công việc, luôn sống vì mọi người. NSƯT NGUYỄN VIỆT HÙNG Phim ảnh là nguồn hạnh phúc Chú Long Hải là một “bố già” đáng kính! Làm việc với chú, trên cương vị là một người tổ chức sản xuất phim hay trên cương vị là một diễn viên, chúng tôi đều cảm thấy mình được chia sẻ. Một ông già hết sức dễ thương, hài hước và luôn yêu quý mọi người trong đoàn phim! Phim ảnh đối với chú có vẻ là nguồn sống, nguồn hạnh phúc lạ lùng khó ai giải thích được. TRẦN QUẾ NGỌC (Biên kịch - đạo diễn) |
Theo Việt Quê / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)