Là người đầu tiên đưa tô phở Việt từ quán bình dân vào nhà hàng máy lạnh một cách bài bản, tuy nhiên, sau 9 năm phát triển, ông Lý Quí Trung quyết định chuyển giao ''đứa con'' của mình cho chủ chuỗi cà phê Highland. Một trong những nguyên nhân được ông Trung viết trong Bầu trời không chỉ có màu xanh là do nhu cầu về tài chính để phát triển nâng cấp toàn bộ hệ thống hiện đại hơn bởi “như người chiến binh già cần bộ áo giáp mới”.
Thoạt đầu, tỏ ra khá dè dặt khi “bị” phỏng vấn sau thời gian dài gần như tuyệt giao với giới truyền thông, tuy nhiên, khi vào câu chuyện, ông Lý Quí Trung dễ dàng cuốn vào những chia sẻ mới mẻ. Ông cho biết đang khởi nghiệp lần nữa tại Úc.
Mở nhà hàng món Việt ở Úc
* Đừng nói ông lại tiếp tục mở nhà hàng ở Úc?
- Ông Lý Quí Trung: Tại sao không? (Cười lớn). Tôi sang Úc năm 2013, hai năm đầu nói chung không làm gì, chỉ bỏ thời gian cho gia đình, con cái, ổn định việc ăn học cho tụi nhỏ và có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, một thứ “xa xỉ” mà trước đó tôi chưa từng có. Đến cuối năm qua, tôi quyết định trở lại công việc mà mình yêu thích, là mở một tiệm ăn nằm trên phố Broadway của Sydney. Tiệm nhỏ thôi nhưng khá xinh xắn, nhiều người khen ngon và khen nhà hàng bài trí đẹp, nhẹ nhàng, nhất là mấy tấm tranh sơn dầu treo trên tường do chính chủ nhà hàng vẽ. (Cười)
* Cuộc sống nghe có vẻ nhẹ nhàng quá, tuy nhiên, ở tầm U50 nói chuyện khởi nghiệp chắc chắn suôn sẻ hơn ngày trẻ rất nhiều?
- Trái lại là đằng khác. Nó vẫn phải khó khăn như hồi nào nhất là trong thời gian đầu chuẩn bị khai trương. Ở một quốc gia mới, phải mày mò lại từ đầu vì luật lệ, cách thức điều hành tổ chức, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác, lại không có nhiều người thân, bạn bè và một đội ngũ nhân viên hùng hậu như ở Việt Nam. Nhưng nhờ cái gì mình cũng phải biết, phải đụng vô chi tiết nên có dịp học hỏi được rất nhiều, rất cặn kẽ. Sau này có làm gì lớn hơn thì mình đã sẵn sàng. Tôi nghĩ hoài bão không có tuổi mà chỉ có thái độ và cách ứng xử với nó có thay đổi theo thời gian hay không thôi. Người có kinh nghiệm có thể cẩn trọng hơn và ý thức hơn sự hiện diện của những thứ khác của cuộc sống. Và càng lớn tuổi thì càng ít cơ hội để sửa sai. Đúng không?
* Vậy ông có định tiếp tục làm lớn, nhân rộng ra thành chuỗi nhiều nhà hàng như Phở 24 ngày trước?
- Bây giờ tôi không có áp lực phải làm cái gì to tát cả, mà ưu tiên làm cái gì mình đam mê. Nếu thành công thì tự nó sẽ lớn mạnh - với điều kiện là mình vẫn còn muốn trò chơi này. Ưu tiên hàng đầu của tôi hiện nay là chất lượng của cuộc sống, chứ không phải số lượng. Nếu mở một chuỗi nhà hàng hoặc một mô hình mới mà thấy vui và chất lượng cuộc sống không bị đánh đổi thì tại sao không. Và tôi e là máu kinh doanh trong người của tôi vẫn chưa chịu già theo tuổi.
* Ông có thể giải thích một chút về chức danh giáo sư danh dự mà Trường đại học Western Sydney vừa mới phong cho ông?
|
Việc bổ nhiệm này xuất phát từ những đóng góp của tôi đối với nhà trường trong quá khứ, kéo dài đến hiện tại, tương lai. Và dĩ nhiên những hoạt động của tôi trong lãnh vực ẩm thực tại Việt Nam trước đây cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện nay tôi đang giúp nhà trường định hình một môn học mới liên quan đến ngành quản trị nhà hàng và khách sạn, và tôi cũng có chân trong ủy ban cố vấn cho khoa Quản trị Kinh doanh của đại học này.
* Vậy ông có trực tiếp giảng dạy không?
- Hiện nay tôi chú trọng hơn vào vai trò cố vấn, định hướng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có tham gia thỉnh giảng hoặc nói chuyện chuyên đề với sinh viên về các đề tài mà mình tâm đắc.
Có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi nhớ về Phở 24
* Sau quyển tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh được xuất bản tại Việt Nam, hi vọng trong tương lai sẽ có thêm quyển sách về kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng ở Úc của tác giả Lý Quí Trung?
- (Cười). Tôi đã viết và sẽ xuất bản trong nay mai. Là sách về chuyện khởi nghiệp, về niềm đam mê nghề nhà hàng của tôi nhưng tôi cũng không quên khuyên các bạn trẻ là phải cẩn trọng vì đây là một ngành kinh doanh rất “khó nuốt”. Thậm chí tôi còn nói rằng đọc xong cuốn sách của tôi mà thấy mở nhà hàng nhiêu khê quá thì nên suy nghĩ lại, không chừng tiết kiệm được nhiều tiền của và thời gian. Nhưng đối với ai quyết chí dấn thân vào nó để khởi nghiệp thì những điều tôi chia sẻ trong cuốn sách hi vọng sẽ giúp rút ngắn con đường đi đến thành công, hoặc ít ra cũng hạn chế bớt rủi ro.
* Ông có thể bật mí nhiều hơn về quyển sách này, chứ nghe chuyện khởi nghiệp có vẻ thuần lý thuyết quá?
- Hồi đầu tôi chỉ để tựa Chỉ có niềm đam mê thì nghe hay hơn và nghệ sĩ hơn, nhưng lại sợ bạn đọc hiểu lầm với sách tiểu thuyết hay lại thêm một cuốn tự truyện nữa (Cười lớn). Nên quyết định thêm vô câu 20 điều chia sẻ cùng người khởi nghiệp cho nó rõ ràng, nhưng vì thế cũng có thể nghe có vẻ khô khan hơn một chút. Tuy nhiên, 20 điều này không phải là 20 điều lý thuyết suông mà là những trải nghiệm thực tế được tôi đúc kết trong suốt quá trình kinh doanh nên chắc sẽ thú vị đối với các bạn trẻ.
* Ông có lường trước việc độc giả sẽ đón nhận quyển sách mới này không còn hồ hởi như trước nữa, bởi nghi ngại một Lý Quí Trung nay đã ít “cọ xát” thực tế khởi nghiệp trong nước?
- Tôi không nghĩ vậy… Kinh nghiệm thì vẫn là kinh nghiệm, những trải nghiệm của tôi trước đây ở Việt Nam sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ khởi nghiệp cũng ở Việt Nam. Còn những kinh nghiệm sau này tôi có được từ việc kinh doanh nhà hàng tại Úc cũng vẫn rất liên quan vì thế giới ngày hôm nay đã phẳng hơn rất nhiều, người ngoại quốc đến Việt Nam mở nhà hàng thì tại sao không có chuyện người Việt đi ra nước ngoài mở tiệm ăn made-in-Vietnam.
* Ông có hay nghĩ về Phở 24 với nỗi ám ảnh, tiếc nuối, bức bối hay một tâm trạng nào đó tương tự như vậy?
- Tôi luôn nghĩ về Phở 24 trong thời gian qua, với nhiều cảm xúc đan xen khác nhau nhưng chưa bao giờ cảm thấy tiếc nuối với các quyết định quan trọng của mình. Chỉ có điều là sau một thời gian rời xa nó đủ lâu để chiêm nghiệm tôi mới có thể đánh giá đúng hơn những gì mình làm được và chưa được. Có những thứ tôi có thể làm tốt hơn nhiều nhưng cũng có những thứ bây giờ tôi không thể nào làm được.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Ông Lý Quí Trung, sáng lập chuỗi tiệm Phở 24 vào năm 2003. Từ những kinh nghiệm của người kinh doanh theo mô hình nhượng quyền đầu tiên của Việt Nam, ông Trung đã viết quyển sách về đề tài nhượng quyền thương mại (franchise): Franchise - Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh và Mua Franchise - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hai quyển sách này liên tục nằm trong danh sách “best seller” năm 2005 và 2006. Từ thành công này, ông được mời làm cố vấn đặc biệt cho Trung tâm nghiên cứu nhượng quyền châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Center of Franchising Excellence), trụ sở đặt tại Úc.
Năm 2007: Được Đại học Griffith University (Úc) phong hàm giáo sư danh dự.
Năm 2012: Bán toàn bộ thương hiệu và chuỗi tiệm Phở 24 cho chủ chuỗi cà phê Highland.
Năm 2013: Xuất bản tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh, chia sẻ nhiều về những thất bại và thành công từ việc kinh doanh chuỗi Phở 24.
Năm 2015: Mở nhà hàng Việt tại Úc.
Năm 2016: Được đại học Western Sydney (Úc) phong hàm giáo sư danh dự. Dự kiến sẽ phát hành sách 20 điều chia sẻ cùng người khởi nghiệp.
|
Bình luận (0)