Ông chủ xưởng mộc khuyết tật san sẻ yêu thương cho cộng đồng

16/11/2023 21:25 GMT+7

Vượt qua những mặc cảm về ngoại hình và những cơn đau kéo dài, anh Nguyễn Hữu Hậu (38 tuổi, quê H.Thủy Nguyên, Hải Phòng) quyết tâm theo học nghề mộc, phấn đấu trở thành ông chủ kiêm chủ nhiệm CLB "Khát vọng cuộc sống", giúp đỡ những người khuyết tật, nghèo khó, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.

Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với những đồ dùng quen thuộc của một nghệ nhân chạm khắc gỗ, anh Nguyễn Hữu Hậu nhanh nhẹn và khéo léo thể hiện những đường đục trên tấm gỗ đã chuẩn bị sẵn. 

Không để khán giả chờ đợi lâu, tác phẩm điêu khắc trên gỗ với dòng chữ "Trạm yêu thương" nhanh chóng được hoàn thành bởi đôi bàn tay tài hoa của anh. Anh Hậu bật mí nghề mộc đã chọn mình, đã cho anh nhiều thứ, cho anh gặp được những người thân yêu và có cơ hội san sẻ những yêu thương trong cuộc sống này.

Ông chủ xưởng mộc 8X khuyết tật san sẻ yêu thương cho cộng đồng - Ảnh 1.

Trạm yêu thương chủ đề "Chạm khắc cuộc đời" với những câu chuyện nhiều cung bậc cảm xúc của người đàn ông khuyết tật hứa hẹn sẽ mang đến những giây phút thú vị, bất ngờ cho khán giả lúc 10 giờ ngày 18.11 trên kênh VTV1

VTV

Năm 1985, anh Nguyễn Hữu Hậu chào đời với cơ thể bình thường như bao em nhỏ khác. Năm 1999, biến cố ập đến, anh Hậu khi đó là học sinh lớp 8 bỗng mắc căn bệnh teo cơ khiến mất khả năng đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân dù bình thường đều phải phụ thuộc vào bố mẹ và các em.

"Ngày đó, để chữa bệnh cho tôi, mẹ bán cả đàn lợn, bố bán chiếc xe xích lô - nguồn kinh tế chính của gia đình. Ở đâu mách có người chữa được, bố cũng đưa tôi đến, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu", anh Hậu tâm sự. 

Những đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần khiến anh Hậu phải bỏ dở việc học. Nhiều năm liền, chống chọi với những cơn đau và việc tập lê để di chuyển khiến chân và hai bên hông anh bị chai sạn, nổi thành u thịt to.

Không muốn mãi là gánh nặng của gia đình, năm 18 tuổi anh Hậu quyết tâm tìm một nghề gì đó để theo học. Được truyền cảm hứng từ người hàng xóm làm xưởng mộc, anh quyết tâm theo học nghề này. Đối với một người bình thường học và làm nghề mộc đã khó, với một người khuyết tật sẽ khó hơn rất nhiều lần.

Khi ấy, có nhiều ánh mắt hoài nghi của anh em, bạn bè, hàng xóm, nhưng bỏ ngoài tai những lời dị nghị, anh Hậu vượt qua những cơn đau của bệnh tật để chăm chỉ học nghề thật giỏi. Những ngày đầu anh chỉ được đánh giấy ráp, sau một năm trời mới bắt đầu học chạm trổ.

Ông chủ xưởng mộc 8X khuyết tật san sẻ yêu thương cho cộng đồng - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Hữu Hậu cùng 2 người con xuất hiện trong chương trình Trạm yêu thương

VTV

Sau nhiều năm miệt mài học hỏi, tay nghề của anh càng lên cao và được nhiều người tin tưởng. Đầu năm 2009, với sự giúp đỡ của bố mẹ, gia đình, anh Hậu mở một xưởng gỗ mang tên "Đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Hậu" trên mảnh đất quê hương. Thấu hiểu khó khăn của người khuyết tật, anh Hậu đã dạy nghề miễn phí cho những người có cùng cảnh ngộ và trẻ em mồ côi. Nhiều người trong số đó đã trở thành thợ lành nghề và mở được cửa hàng cho riêng mình.

Nghề mộc khiến cuộc đời anh Hậu thay đổi, được đi nhiều nơi và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác. Anh dành 6 tháng trời đến với các vùng đất xa xôi để tìm hiểu về các gia đình khốn khó và tặng họ những món quà động viên. Mong muốn giúp đỡ được nhiều người hơn, năm 2015, anh Hậu cùng bạn bè thành lập câu lạc bộ "Khát vọng cuộc sống" để kết nối các bạn trẻ khuyết tật, giúp đỡ nhau tự tin hòa nhập, giúp ích cho cộng đồng. Câu lạc bộ của anh đang hỗ trợ 300 thành viên ở nhiều địa bàn trên cả nước.

Sự xuất hiện bất ngờ của vợ và 2 con đã khiến anh Hậu nghẹn ngào xúc động trên sân khấu Trạm yêu thương. Vợ đến với anh vì tình thương, tình yêu và cả sự cảm phục của một người bình thường dành cho một người khuyết tật nhưng có nghị lực phi thường.

Hiện tại, gia đình anh Hậu vừa chuyển lên Mộc Châu (Sơn La) sinh sống, và dù ở đâu, anh cũng luôn đồng hành cùng câu lạc bộ của mình tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống.

Món quà của Trạm yêu thương tuần này đã cùng anh Hậu và câu lạc bộ của mình nhân lên tình yêu thương khi đến Tuyên Quang, giúp đỡ gia đình chị Nguyễn Thị Bình có con mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Những hình ảnh chân thực trong phóng sự do ê kíp chương trình ghi lại sẽ phần nào tái hiện được hành trình lan tỏa yêu thương của anh Hậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.