(TNO) Sở dĩ chúng tôi gọi như thế vì khắp vùng đất mới chia tách này, chắc chỉ có mình ông còn viết chữ Nho mỗi khi tết đến, xuân về…
Tại góc đường Trần Hưng Đạo (khu vực 1, phường 1, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), tôi tình cờ bắt gặp “ông đồ” chuyên viết câu đối trong dịp tết.
Nhìn ông cặm cụi viết từng chữ Nho vuông vức, bỗng thấy nhớ về một ông đồ xưa trong bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên…
Khách hàng quen gọi ông là “ông viết liễn”, còn tên thật của ông là Vương Sến, hiện sống ở khu vực 3, phường 1, TP.Vị Thanh.
Ông gọi nghề của ông là vẽ chữ chứ không phải viết chữ.
Không áo dài, khăn đóng, chỉ giản dị sơ mi trắng, quần tây nhưng ông đã mang đến một chút cảm nhận về tết xưa, nét cổ kính giữa phố thị đông người.
Ông Sến kể: “Tôi hành nghề cũng được cả chục năm rồi. Mỗi năm cứ đến 24 tết là tôi bắt đầu bày biện để vẽ chữ, cho đến trưa 29 tết thì dọn hàng. Hồi đó, chỗ tôi hiện ngồi nằm sát chợ nên người ta chú ý lắm, còn bây giờ không được đắt hàng như xưa”.
Ông Sến cho biết cứ vào dịp tết, nhiều gia đình cũng muốn có câu đối trong nhà nên khá đông người đến nhờ ông vẽ chữ.
Gian hàng vẽ chữ của ông Sến đơn sơ, nhẹ nhàng giống như những bức câu đối ông viết nhưng rất dễ nhận biết vì những chữ Nho không… “đụng hàng”.
Những câu đối có nội dung như “Thiên tăng tuế nguyệt nhơn tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phước mãn đường” (nghĩa là: “Trời thêm năm tháng người thêm tuổi/ Xuân tràn trời đất, phước đầy nhà) thường được nhiều người lựa chọn và nhờ ông vẽ nhất.
Mỗi lần vẽ được chữ cho ai, ông mừng lắm. Trung bình mỗi câu đối ông viết, ông chỉ nhận tiền mực 20 ngàn đồng. Một ngày cũng có vài mươi người đến nhờ.
Ông Sến nói vui: “Tôi cũng biết có nhiều người đâu biết đọc và cũng không rành chữ Nho nhưng lại thích treo câu đối trong nhà cho sang. Mình làm nghề này phải có trách nhiệm hướng dẫn cho họ”.
Ông Sến chia sẻ: “Năm nay tôi đã gần 70. Vài năm nữa tay run là không còn vẽ chữ được nữa. Mà bây giờ cũng không có ai muốn học cái “nghề” vẽ chữ này…”.
|
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên
>> Chợ tết ở Little Sài Gòn
>> Sài Gòn có phố ông đồ
>> Rộn ràng "Phố ông đồ
>> Lạ lẫm phố ông đồ
>> Hải cẩu viết thư pháp
Bình luận (0)