Ông Donald Trump giữa vòng xoáy pháp lý

12/08/2022 08:00 GMT+7

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vướng vào một loạt cuộc chiến pháp lý mà ông cho rằng mình là nạn nhân của hệ thống thực thi pháp luật bị chính trị hóa.

Ngay sau khi bị Cục Điều tra liên bang (FBI) khám nhà, điều chưa từng có tiền lệ, cựu Tổng thống Trump lại phải trình diện trước văn phòng chưởng lý liên quan đến cuộc điều tra dân sự về công việc kinh doanh của gia đình.

Hơn 440 lần dùng quyền im lặng

Theo AFP, Tổng chưởng lý Letitia James của bang New York đã mở cuộc điều tra với nghi vấn Tập đoàn Trump kê cao giá bất động sản khi đi vay ngân hàng nhưng lại kê giá thấp khi khai thuế. Trong phiên lấy lời khai ngày 10.8, ông Trump viện dẫn Tu chính án số 5 trong Hiến pháp Mỹ để giữ im lặng. Cũng giống như trong các vụ điều tra khác mà ông liên quan, cựu Tổng thống Trump cho rằng ông là “mục tiêu của một cuộc săn phù thủy vô căn cứ và mang động cơ chính trị với sự hỗ trợ của giới luật sư, công tố viên và truyền thông tin giả”, tiêu biểu là vụ FBI khám nhà ông hôm đầu tuần.

FBI phát hiện tài liệu "tuyệt mật" trong nhà cựu Tổng thống Trump

Văn phòng của bà James, người theo đảng Dân chủ, xác nhận việc ông Trump kích hoạt quyền im lặng và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc điều tra dựa trên những chứng cứ thật. Tu chính án số 5 nêu rằng không ai chịu sự ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân, đồng nghĩa cá nhân có quyền giữ im lặng để không phải cung cấp lời khai có hại cho chính mình để bị buộc tội, theo AP. Trong phiên thẩm vấn ngày 10.8, ông Trump đã kích hoạt quyền này hơn 440 lần để từ chối trả lời các câu hỏi của nhà điều tra, theo CNBC.

Về bản chất, đây là cuộc điều tra dân sự và không dẫn đến cáo buộc hình sự, nhưng đây cũng là một trong số nhiều cuộc chiến pháp lý đang bủa vây ông Trump và đe dọa ảnh hưởng đến triển vọng chạy đua vào Nhà Trắng của ông vào năm 2024.

Ông Trump đã hơn 440 lần dùng quyền im lặng trong phiên thẩm vấn ngày 10.8

AFP

Phiên lấy lời khai diễn ra ngay sau khi FBI khám nhà ông Trump tại bang Florida, gây chấn động chính trường Mỹ. Đến nay, FBI vẫn chưa tiết lộ lý do của hành động này, nhưng giới truyền thông Mỹ loan tin các đặc vụ đã thực hiện việc khám xét với sự đồng ý của thẩm phán vì nghi ngờ sai phạm của ông Trump trong việc quản lý những tài liệu mật, được đưa đến khu nghỉ dưỡng của ông sau khi mãn nhiệm.

Chính sự im lặng của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã khiến đa số thành viên đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ông Trump chỉ trích rằng cuộc khám xét là thiên kiến, mặc dù Giám đốc FBI Christopher Wray là người được chính ông Trump bổ nhiệm. Mới nhất, ông Trump và những người ủng hộ còn nghi ngờ rằng có thể các đặc vụ FBI đã gài bằng chứng buộc tội ông trong quá trình khám nhà. “Tất cả mọi người được yêu cầu rời khỏi khu nhà. Họ (FBI) muốn một mình, không có bất kỳ nhân chứng nào để quan sát điều họ đang làm, đang nói hoặc, hy vọng là không phải, đang “cài cắm”, cựu tổng thống viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 10.8.

“Vũ khí hóa tư pháp”

Ông Trump cho rằng mình chính là nạn nhân của một loạt cuộc tấn công mang động cơ chính trị, cáo buộc đảng Dân chủ đang “vũ khí hóa, chính trị hóa” hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm qua nhấn mạnh sự độc lập của Bộ Tư pháp và nói rằng Tổng thống Joe Biden đã không được thông báo trước về cuộc khám xét.

Giới chuyên gia hành pháp bảo vệ tính phi đảng phái của FBI khi nhấn mạnh giám đốc cơ quan này được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 10 năm nên ít bị ảnh hưởng từ ý chí của tổng thống, vốn chỉ có nhiệm kỳ 4 năm. Bên cạnh đó, tại Thượng viện và Hạ viện đều có các ủy ban giám sát và các quy chế khác để đảm bảo tính phi đảng phái của FBI.

Ông Trump từng bị cho là người cố biến lực lượng hành pháp của Mỹ thành công cụ chính trị trong thời gian ông tại nhiệm, theo tờ The New York Times. Cụ thể, ông Trump hồi năm 2017 sa thải Giám đốc FBI James Comey trong lúc cơ quan này đang tiến hành điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và khả năng cấu kết giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow. Ông Trump sau đó sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vì ông này đứng ngoài cuộc điều tra nêu trên và không giúp bảo vệ ông Trump. Trong thời gian tại nhiệm, ông Trump cũng nhiều lần kêu gọi Bộ Tư pháp và FBI điều tra các đối thủ và bỏ qua cho những người thân cận.

Bộ trưởng Tư pháp bị đe dọa

Theo AP, sau khi ông Trump và phe Cộng hòa chỉ trích vụ khám nhà, nhiều lời đe dọa đã xuất hiện trên mạng kêu gọi ám sát các đặc vụ liên bang và thậm chí là Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland. Giám đốc FBI Christopher Wray hôm qua cho rằng những đe dọa này là điều nguy hiểm và đáng lên án. “Bạo lực nhắm vào lực lượng hành pháp không phải là giải pháp, bất kể bạn không vừa ý với ai”, ông Wray nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.