Ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (thuộc UBND tỉnh Đắk Nông), cho biết bản thân làm nghề giữ rừng hơn 20 năm. Năm 2016, ông Nhã bắt đầu tìm hiểu về những loại dược liệu trong khu rừng tự nhiên rộng 17.240 ha do công ty quản lý (xã Đắk Lao, H.Đắk Mil, Đắk Nông).
Năm 2019, ông Nhã được một đối tác hỗ trợ để cùng nghiên cứu dược liệu, đến nay phát hiện và ghi nhận 338 cây thuốc phân bố trong khu rừng.
"Cây thuốc quanh ta thật sự rất nhiều, ở rừng lại càng đa dạng và có nhiều cây thuốc quý. Vì vậy, tôi đã cùng anh em nghiên cứu các phương pháp chiết cành, gieo hạt, nhổ cây con về ươm trồng, sau đó đem lại vào rừng để trồng dưới tán cây", ông Nhã chia sẻ.
"Cây thuốc ở quanh ta nhưng không phải ai cũng biết"
Trong một chuyến ghé thăm "đại bản doanh", ông Nhã dẫn chúng tôi vào rừng để đi tìm dược liệu. Ông Nhã cho rằng, chỉ có đam mê thiên nhiên, cỏ cây và dược liệu, ông mới cần mẫn bươn từng cánh rừng, vượt từng quả đồi để săn tìm cây thuốc quý.
"Cây thuốc ở quanh ta nhưng không phải ai cũng biết. Tôi cùng anh em phải tự tìm tòi qua sách vở, nghiên cứu và tham khảo thêm với chuyên gia để sưu tầm giống về ươm trồng tại trụ sở công ty (H.Đắk Mil). Sau khi lên cây con, tôi đem lại vào rừng để trồng dưới tán rừng. Vừa bảo tồn được giống cây quý, vừa làm thương mại sau này", ông Nhã tâm đắc. Theo ông Nhã, đây là ý tưởng ông đã ấp ủ từ lâu, hiện chỉ mới đặt những viên gạch đầu tiên chứ chưa bán cây thuốc ra thị trường.
Vừa đi, ông Nhã vừa chỉ những cây gỗ quý lâu năm vẫn chễm chệ giữa rừng già. Đam mê dược liệu và nâng niu rừng xanh, ông cho biết cây trong rừng gần như bất khả xâm phạm. Lỡ có cây rừng mọc chìa ra đường chiếm lối đi, ông và nhân viên công ty cũng… không dám đụng đến.
Đi được vài trăm mét đường rừng, ông Nhã chỉ tay vào những cây thuốc quý vừa được ươm trồng dưới tán rừng khoảng 1 tháng nay. "Đây là cây sâm xuyên đá, đây là sâm bố chính, xáo tam phân, sói rừng…", ông Nhã "thuyết minh" về tên từng loại và dược tính của cây thuốc.
Chúng tôi đi giữa rừng già. Tiếng chim kêu vọng lại đâu đó từ khoảnh rừng xa xa, ông Nhã kể: "Trồng giữa rừng nên cũng chẳng cần tưới tiêu gì cây cũng sống. Lớp lá cây phân hủy tạo thành tầng mùn dày, tụi cây cỏ tha hồ mà "uống" dinh dưỡng".
Trồng cà phê sạch dưới tán rừng
Ngoài việc săn tìm cây thuốc, ông Phan Bá Nhã còn trồng cả cà phê dưới tán rừng già. "Mấy tháng trước, tôi có dịp qua Lào tham quan mô hình trồng cà phê hữu cơ dưới tán rừng, thấy hiệu quả cao, bền vững và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của rừng nên tôi trồng thí điểm hơn 100 cây cà phê dây dưới tán rừng công ty quản lý", ông Nhã nói.
Ông Nhã cho biết thêm, cà phê là một loại nông sản điển hình nhất của các tỉnh Tây nguyên. Tuy nhiên, bà con nông dân thường bán cà phê ra thị trường với giá thấp. Trong khi giá phân bón ngày một đắt đỏ khiến thu nhập của họ càng bấp bênh.
"Trồng dưới tán rừng sẽ cắt giảm chi phí nhân công, phân bón, tưới tiêu. Có thể sản lượng thấp hơn nhưng bù lại chi phí thấp, cà phê hữu cơ 100% vì để cho rừng tự nuôi dưỡng chúng. Đầu ra thì khỏi phải lo!", ông Nhã kể. "Chỉ có trồng thêm cây, sống cùng cỏ cây thiên nhiên mới phát triển một cách bền vững".
"Hiện đã có đối tác đề nghị liên kết đầu tư trồng cà phê dưới tán rừng và "bao" đầu ra ở một số nước châu Âu, Mỹ. Sắp tới, sau khi đánh giá hiệu quả thử nghiệm, công ty dự kiến sẽ trồng khoảng 1.000 ha cà phê và 500 ha dược liệu dưới tán rừng", ông Nhã kể rồi dang cánh tay, nói sự sống rồi sẽ được ươm mầm và sinh sôi dưới tán của những cây gỗ cà chít, cẩm lai, trắc, gõ đỏ…
Ghi lại các cây thuốc quý
Ngày lên rừng tuần tra và tìm kiếm dược liệu, đêm đến ông Phan Bá Nhã lại miệt mài ghi lại đặc điểm của từng loại cây thuốc tìm được. "Tôi ghi lại để bản thân mình dễ nhớ, đồng thời làm tư liệu để chia sẻ cho ai đó cần tìm hiểu về cây thuốc trong rừng. Tôi đã ghi lại hàng trăm cây thuốc, trong số đó khoảng trên dưới 30 loài có tính dược liệu cao, có thể trồng để thương mại. Hiện công ty đã thử nghiệm thành công sản phẩm rượu sâm và bắt đầu tiếp cận thị trường tiêu thụ", ông Nhã nói.
Cánh rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế
Toàn bộ diện tích rừng của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành đang quản lý, bảo vệ nằm trên địa bàn xã Đắk Lao, H.Đắk Mil. Từ năm 2007, công ty là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông thực hiện thí điểm phương án quản lý rừng bền vững.
Năm 2015, rừng do công ty quản lý đã đạt 10 tiêu chí với 56 nguyên tắc nghiêm ngặt (về môi trường, xã hội và kinh tế) do các chuyên gia rừng thế giới kiểm tra, đánh giá và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới (FSC) cấp. Đây là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Hiện nay, tổ chức này đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 850 thành viên bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các tổ chức quản lý chứng nhận quốc tế, trung tâm phát triển cộng đồng...
Bình luận (0)