Mối nguy hại từ nhựa và rác thải nhựa
Theo đánh giá của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính, có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm.
Microplastic là các hạt nhựa nhỏ có đường kính nhỏ hơn 5 mm đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.
Các sản phẩm từ nhựa còn chứa nhiều thành phần khác có thể gây hại đến sức khỏe con người, chẳng hạn như chất tạo màu thường chứa kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác. Các chất chống cháy nổ có khi phá vỡ hệ thống nội tiết.
Những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Sản phẩm xanh cho tương lai bền vững
Tận dụng lợi thế Việt Nam là một trong những nước sản xuất nông nghiệp, có chất lượng gạo đứng đầu thế giới; nên ống hút gạo được làm hoàn toàn từ bột gạo và tạo màu tự nhiên. Ống hút gạo có thể chịu được nước trong khoảng từ 2 - 10 giờ. Sau khi sử dụng, hoàn toàn có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, cá và các loài thủy sinh; tuyệt đối không gây nguy hại đến môi trường.
Nhận thức được thực trạng ô nhiễm môi trường và lợi thế về nguyên liệu, các doanh nghiệp Việt xây dựng một số thương hiệu mới chuyên sản xuất các sản phẩm xanh, góp phần cải thiện cuộc sống của các sinh vật biển. Đồng thời giảm thiểu rác thải nhựa.
Quy trình để làm ra sản phẩm ống hút gạo vô cùng nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Gạo sau thu hoạch sẽ được sàng lọc và làm sạch kỹ càng. Tiếp đó, sẽ tạo khuôn ống hút, sấy khô và cắt khúc sao cho sản phẩm đều và đẹp mắt nhất.
Màu của ống hút gạo được tạo từ màu tự nhiên của rau củ đặc trưng ở Việt Nam như: màu trắng tinh khiết từ gạo, màu đen từ than tre thực phẩm, màu vàng từ nghệ, màu xanh từ lá nếp, màu đỏ từ gạo lứt, màu xanh dương từ hoa đậu biếc, màu nâu từ hạt cà phê. Trong quá trình sản xuất, không có chất hóa học hay phụ gia, ưu tiên các tiêu chí đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Nhờ nguồn nguyên liệu đảm bảo, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm tốt; những chiếc ống hút làm từ gạo mang thương hiệu Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận; mà còn chiếm được cảm tình của khách hàng quốc tế tại các thị trường "khó tính" như: Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan, Úc.
Với giá thành chỉ từ 15.000 - 75.000 đồng/1 hộp; ống hút gạo là một trong những sản phẩm xanh được nhiều người tiêu dùng và nhà hàng lựa chọn để thay thế cho ống hút nhựa.
Chị Thu Hằng (22 tuổi), trú tại phố Tô Hiệu (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Lần đầu tiên mình được trải nghiệm ống hút gạo là ở một nhà hàng pizza trên phố cổ. Khá ấn tượng nên mình mới tìm hiểu và sử dụng từ đó đến nay đã được 1 năm. Màu sắc từ tự nhiên, an toàn cho người sử dụng, nhất là trẻ nhỏ và hơn hết là giúp bảo vệ môi trường, hạn chế lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường".
Còn anh Công Thành (30 tuổi), sống tại P.Thụy Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) thì bày tỏ mong muốn nhiều hơn các nhà hàng, quán nước… và người dân sử dụng ống hút sinh học; tạo dựng thói quen dùng sản phẩm xanh thay thế sản phẩm nhựa để môi trường ngày càng trong sạch hơn.
Bình luận (0)