Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Nhiều người nghe có tên trong 'thiên đường trốn thuế' là sợ lắm

12/05/2016 16:26 GMT+7

Hàng loạt tên tuổi doanh nhân VN nổi tiếng nằm trong danh sách hồ sơ Panama, trong đó có tên 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông nhằm làm rõ thực hư.

* Ông hoặc tập đoàn IPP có đầu tư hay thành lập công ty nào tại các “thiên đường thuế” không?
- Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Hơn 30 năm nay tôi làm ăn tại VN, vốn đưa về và vốn tái đầu tư tập trung vào công việc kinh doanh này. Trong 189 người tại VN có tên trong hồ sơ Panama không có tên của tôi. Lý do tôi có tên là bởi lúc trước tôi có đầu tư trong danh sách của công ty đa quốc gia. Cụ thể năm 2008 tôi mua cổ phần Công ty Imex Asia Pacific International Limited (IAP) do mấy người bạn thành lập, dự án đầu tư không hấp dẫn như kế hoạch ban đầu nên 6 tháng sau đã đóng cửa. Trước đó, năm 2004 tôi có mua cổ phần trong Công ty Imex Pan Pacific Group Inc, và đến 2007 đã bán hết cổ phần này. Là một nhà đầu tư quốc tế, tôi cho rằng việc mua cổ phần của các công ty đa quốc gia là một hoạt động bình thường. Vấn đề này ở các nước trên thế giới là hợp lệ, không có gì gọi là phạm pháp.

30 tỉ USD từ 'thiên đường thuế'

Danh mục các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN cho thấy, quần đảo Virgin và quần đảo Cayman đóng góp tổng vốn lên gần 30 tỉ USD, trong khi đây là hai vùng lãnh thổ hải ngoại nhỏ bé của Anh.
* Thế nhưng nhiều người cứ nghĩ các công ty đặt ở các “thiên đường thuế” thường liên quan đến trốn thuế, lách thuế?
- Đúng là nghe tới “thiên đường trốn thuế” là nhiều người không có thiện cảm. Nhưng có thể họ không hiểu hết lý do vì sao hàng trăm ngàn doanh nghiệp quốc tế chọn những nơi này để đặt trụ sở. Chẳng hạn British Virgin Island (BVI), vốn là thuộc địa của Anh, nay là khu vực tự trị - xuất phát từ việc không có đất trồng trọt, không có sản xuất, nên chính quyền không có tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân. Lúc đó họ chỉ cần 50 triệu USD mỗi năm là đủ nuôi dân số vài ngàn người. Vì vậy, cách đây vài chục năm, có những luật sư, kế toán trên thế giới đề nghị làm sao cho thuế suất thấp để thu hút đầu tư, đây cũng là cách mà các quốc gia hiện nay đều nhắm đến.
Nếu ở Hồng Kông, doanh nghiệp (DN) mở công ty chỉ tốn 1 USD, tất cả hợp đồng DN ký kết tại Hồng Kông là phải trả thuế, nhưng nếu ký hợp đồng ngoài lãnh thổ thì chỉ cần khai báo kế toán, không phải trả đồng thuế suất nào. Nếu đang đi trên máy bay đã vào không phận Hồng Kông mà ký hợp đồng thì phải thành thật khai báo, chưa tới thì không cần khai báo. Ở Singapore thuế suất doanh nghiệp cũng rất cao, khoảng 25%. Nhưng nếu DN mang tiền vào nhiều, tạo công ăn việc làm nhiều thì thuế suất chỉ còn dưới 10%.
Ở VN hiện nay thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 20%, nhưng VN không thể một sớm một chiều giảm ngay được mức thuế suất này, vì ngân sách hiện đang rất cần nguồn thu. Trong khi đó, ở BVI cấp giấy đăng ký kinh doanh, sổ sách kế toán, có luật sư chứng nhận, cả bản điều lệ DN… DN chỉ trả 3.000 USD/năm/công ty cho BVI và công ty luật 1.500 USD/năm. Tổng cộng là 4.500 USD/năm. Nghĩa là đặt công ty tại BVI, thuế suất TNDN bằng 0%. Đổi lại, sau nhiều năm, đến nay BVI đã có 850.000 DN, thu về hàng tỉ USD mỗi năm. Một quốc đảo nhỏ mà có số tiền mơ ước của nhiều quốc gia. Luật sư và BVI được hưởng lợi nhiều nhất.
Tại sao DN cần đến thuế suất thấp? Vì họ cần tối đa hóa lợi nhuận. Một công ty nước ngoài muốn đầu tư vào VN, nếu thành lập công ty tại VN, họ sẽ phải đóng 20% thuế TNDN (thuế suất hiện hành). Và khi thu nhập sau thuế của họ trở về Singapore, họ sẽ còn bị đánh thuế lợi tức thêm một lần nữa. Ngoại trừ khi hai quốc gia có ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Một nhà kinh doanh đầu tư vài chục ngàn USD thì không sao, nhưng nếu nói chuyện đầu tư hàng chục triệu USD, hàng trăm triệu USD thì phương án BVI nằm hàng đầu. Đó là lý do nhiều tập đoàn, công ty lớn, tỉ phú, người giàu có đều có công ty tại các “thiên đường thuế” để lách thuế hợp pháp.

Hồ sơ Panama chấn động tới VN

Giới kinh doanh tại VN đang bị chấn động khi nhiều người, nhiều tổ chức nổi tiếng có tên trong danh sách 'Hồ sơ Panama', kho dữ liệu khổng lồ chứa các thông tin của hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở những 'thiên đường trốn thuế'.
* Và “thiên đường thuế” cũng là “thiên đường trốn thuế”?
- Đúng như vậy, ranh giới này cũng mong manh lắm. Những DN làm ăn chính đáng, có mở công ty ở BVI không có gì là sai trái. BVI giúp cho DN tránh được thuế, nhưng đồng thời cũng là lỗ hổng cho buôn lậu, rửa tiền, tham nhũng, buôn vũ khí lẫn lộn, trà trộn vào. “Bức tường lửa” ngăn chặn những lỗ hổng này là các ngân hàng. Các ngân hàng hiểu được đường đi của tiền bẩn nên quản lý rất chặt. Nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt, người gác cửa cũng đã để lọt lưới, hoặc giúp sức để tiền bẩn trở thành tiền sạch. Chính vì sự nhập nhằng này mà nhiều người nghe có tên dính líu đến “thiên đường trốn thuế” là sợ lắm.
Hơn nữa, nhiều quốc gia khác bài xích BVI, vì khi nguồn tiền dồn về BVI thì nhiều quốc gia bị mất nguồn thu thuế lên đến hàng ngàn tỉ USD, ảnh hưởng lớn đến việc tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo và nâng cao mức sống người dân của quốc gia đó.
* Ở VN, việc đặt công ty ở BVI có phổ biến?
- Hiện nay, hàng ngàn công ty nước ngoài đầu tư vào VN đặt trụ sở tại những “thiên đường thuế”. Nhưng điều đó không phương hại gì cho VN, bởi khi muốn chuyển tiền về thì nhà đầu tư phải tuân thủ nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ. Còn ngược lại, người Việt đầu tư ra nước ngoài thành lập công ty tại BVI cũng không có gì phạm pháp. Tôi biết có rất nhiều trường hợp như vậy. Theo tôi biết, những dự án đầu tư ra nước ngoài được quản lý và theo dõi rất chặt tại VN. Theo quy định, DN sau khi đầu tư mỗi năm phải báo cáo tình hình đầu tư tại nước ngoài. Trong trường hợp có lợi nhuận, trong vòng 6 tháng DN phải chuyển về VN.
* Cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.