Trung Quốc dẫn đầu trong Hồ sơ Panama

11/05/2016 20:10 GMT+7

Các cá nhân, doanh nghiệp ở Trung Quốc và đặc khu Hồng Kông đứng đầu trong danh sách những chủ thể bí mật giấu tiền ở 'thiên đường thuế' nước ngoài, theo Hồ sơ Panama vừa được công bố.

Theo tờ South China Morning Post, toàn bộ tài liệu Panama được một nhóm nhà báo điều tra công bố hôm 10.5. Đặc khu Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục chiếm gần 1/4 số cá nhân và tổ chức thành lập 366.000 công ty vỏ bọc nước ngoài được liệt kê trong cơ sở dữ liệu. Hồ sơ Panama phanh phui 214.000 công ty trong số này và phần còn lại đã được công bố trước đó, hồi năm 2014.

Cụ thể, Hồng Kông có gần 26.000 cá nhân và tổ chức góp mặt trong Hồ sơ Panama. Trung Quốc thì có 33.000 cái tên. Sau Hồng Kông và Đại lục là Đài Loan với 19.600 cá nhân và doanh nghiệp có liên quan.

Phần lớn những người này chưa từng được biết là có điều hành doanh nghiệp nước ngoài (offshore company) được hãng luật Panama Mossack Fonseca quản lý. Hãng luật trên cũng là nơi mà 11,5 triệu tài liệu đã bị rò rỉ.

Người Hồng Kông cũng sở hữu khoảng 10% các doanh nghiệp nước ngoài. Phần lớn chính trị gia, doanh nhân và người nổi tiếng có liên quan đến Hồ sơ Panama đã được giới truyền thông nêu tên.

Nhà lập pháp Kenneth Leung ở Hồng Kông cho hay mức độ dính líu của đô thị 7 triệu dân này vào vụ Panama là “rất sốc”. Ông kêu gọi cơ quan thuế địa phương vào cuộc. “Hồng Kông có thể theo chân Pháp và Ấn Độ, những nước đã thiết lập đội điều tra đặc biệt sau các vụ việc tương tự trong quá khứ”, ông Leung nói.

Dù việc giữ tiền trong tài khoản ở nước ngoài không bất hợp pháp, Hồ sơ Panama vẫn gia tăng mối lo ngại về trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và các giao dịch đáng ngờ. Đây có thể là những con đường được dùng để che giấu tài sản và gây nhầm lẫn cho cơ quan thuế. Hoạt động này phổ biến tại Đại lục, nơi cho phép các doanh nhân kiểm soát vốn hiệu quả hơn hoặc lập liên doanh với đối tác nước ngoài.

Ở Hồng Kông, công ty nước ngoài cũng rất phổ biến do đặc khu này không yêu cầu cổ đông kê khai tài sản sở hữu ở các thiên đường thuế như nhiều nơi khác, và người dân có thể tránh nộp thuế bằng cách này, ông Leung cho biết.

Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) công bố cơ sở dữ liệu của vụ hồ sơ Panama, kết quả điều tra tổng hợp từ hàng trăm nhà báo quốc tế khi tiến hành thu thập dữ liệu về khách hàng của hãng luật Mossack Fonseca, đơn vị có trụ sở chính tại Panama cùng văn phòng ở hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dữ liệu bao gồm hồ sơ pháp lý, tài chính, cổ đông của những công ty sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca để thành lập doanh nghiệp nước ngoài. Hồ sơ Panama đã cung cấp thông tin liên quan đến 214.000 công ty ở những “thiên đường thuế” như Panama, quần đảo Cayman (thuộc Anh) và quần đảo Virgin (thuộc Anh) nhưng do những người ở các nước khác thành lập.

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng, lãnh đạo chính trị và doanh nhân có tên trong danh sách: Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria, Thủ tướng Anh David Cameron, trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nam diễn viên Thành Long, cầu thủ bóng đá Lionel Messi. Nhiều người giàu ở Pháp, Ấn Độ, Mexico và Úc cũng bị điều tra vì bị nghi trốn thuế. 

Hồ sơ Panama chấn động tới VN

Giới kinh doanh tại VN đang bị chấn động khi nhiều người, nhiều tổ chức nổi tiếng có tên trong danh sách 'Hồ sơ Panama', kho dữ liệu khổng lồ chứa các thông tin của hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở những 'thiên đường trốn thuế'.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.