Hơn 2 năm qua, ông Đoàn Văn Khánh 70 tuổi (ở thôn Đại Duy, xã Đoàn
Đào, H.Phù Cừ, Tỉnh Hưng Yên) đã tự làm xe ngựa đưa học sinh đến trường
không công.
Xe ngựa đưa đón các em trường tiểu học của ông Khánh- ảnh Trần Hồ |
Về Đoàn Đào hỏi nhà ông Khánh thì ai cũng biết. Người dân nơi đây gọi ông với cái tên thân mật “ông Khánh xe ngựa”. Ngôi nhà cấp 4 nằm đầu thôn, là nơi các em học sinh tiểu học cùng ở, cùng ăn, cùng đi đến trường với ông.
Mặc dù tuổi cao nhưng ông Khánh vẫn “toàn tâm, toàn ý” cho công việc thiện nguyện. Ông tâm sự: “Ở đây đa số gia đình đều làm nông nghiệp hoặc đi làm tại các khu công nghiệp đến 20 – 21 giờ đêm mới về. Trong khi đó, các cháu nhỏ phải đi học một quãng đường 5 km tới trường. Nhiều cháu phải tự đạp xe nên bị tai nạn giao thông. Chứng kiến những cảnh đó, tôi nghĩ phải làm một cái xe để chở các cháu đến trường. Từ đó tôi làm xe lam, rồi sau này là xe ngựa”.
Ngày đầu mới làm xe ngựa, nhiều người dân trong xã không dám cho con mình lên vì sợ nguy hiểm, bẩn và mất an toàn…Để thuyết phục mọi người, hằng ngày, ông chở 2 đứa cháu nội và các con em trong họ đến trường. Quãng đường từ nhà tới trường trở nên vui nhộn, các em cùng nhau cười đùa, ca hát khiến mỗi ngày đến trường bằng xe ngựa của ông là một ngày vui. Sau một thời gian thấy được sự tiện lợi, an toàn từ xe ngựa, các em nhỏ trong làng hào hứng xin đi; các gia đình trong xã bắt đầu gửi gắm con mình cho ông.
Để đúng “gu” của học sinh, chiếc xe được thiết kế rất bắt mắt như: có hoa dán, ghế ngồi, có quạt mùa hè, có rèm mùa đông và có thể chở đến 30 em học sinh (từ lớp 1 đến lớp 3). Ông cho biết, chi phí cho chiếc xe tự chế này cũng mất vài chục triệu đồng, từ việc mua ngựa về thuần hóa, đóng xe và phụ kiện kèm theo...
Mỗi ngày 8 lần đưa đón học sinh
Ông Khánh kể, một ngày ít nhất ông cũng phải 8 lần đưa đón các em học sinh tiểu học, mầm non đến trường. Từ nhà tới trường cách 5km, vì vậy ông phải đi tới 40 km/ ngày
“Trước đây khi tôi mới làm xe, anh em, gia đình hàng xóm đều bảo tâm thần, nhưng tôi vẫn mặc kệ vì chỉ thương các cháu nhỏ, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn của các cháu. Tôi làm cũng xuất phát từ cái tâm, chưa bao giờ nghĩ đến có ai đó trả công cho mình”. Ông chia sẻ.
Thấy ông làm nhiều, vất vả, nhiều gia đình đã tự nguyện quyên góp, hỗ trợ, đưa cho ông 50 – 70 nghìn đồng/tháng. Nhưng tiền đó, ông lại dành để nuôi những em mà bố mẹ không thể về nhà cho ăn uống. Nhiều em bố mẹ đi làm công ty, nên ông đưa chúng về nhà mình chăm sóc, rồi tiếp tục đưa đi học chiều, hoặc không học thì ở nhà ông cho đến tối, bố mẹ đi làm về mới đón.
Bà Trần Thị Lực (61 tuổi, thôn Đại Duy) cho biết: “Từ khi có xe ngựa của ông Khánh, tôi cho 2 cháu đi xe của ông. Có xe đưa đón, bố mẹ các cháu yên tâm hơn để làm việc tại công ty. Việc làm của ông không chỉ giúp các gia đình có thời gian, yên tâm đi làm, mà còn tác động rất lớn đến ý thức học tập, tạo động lực cho các em học sinh ở đây”.
Bà Trần Thị Thế Hằng, giáo viên trường Tiểu học Đoàn Đào, H.Phù Cừ, nơi có học sinh được ông Khánh đưa đón nhận xét: “Từ khi có xe ngựa của ông Khánh, các em dậy sớm hơn, đi học đúng giờ hơn, đến lớp đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, việc làm của ông Khánh đã hạn chế các tai nạn, đồng thời làm giảm các phương tiện giao thông trước cổng trường”.
Bình luận (0)