Năm nào chúng tôi cũng cố gắng đi tìm một phương thức tổ chức mới, để đáp ứng với cuộc sống đang vận động hằng ngày. Năm nay sẽ có cái mới là ngoài kịch bản gửi tới trại, ban tổ chức còn chủ động đi tìm các kịch bản vừa được dàn dựng, thẩm định nếu thấy chất lượng thì cứ đầu tư. Nghĩa là có hai cách đầu tư. Một, từ khi mới là đề cương. Hai, kịch bản đã lên sàn diễn. Sở dĩ chọn như vậy là vì có những tác giả e ngại không dám đưa kịch bản vô trại, thì mình phải chủ động đi tìm họ, không bỏ sót nhân tài.
* Thưa ông, liệu có còn tình trạng kịch bản được trại duyệt mà các đơn vị không thèm dàn dựng, cho rằng “hàng cúng” khó dùng?
- Bởi vậy ban tổ chức mới chọn kịch bản đã dàn dựng, coi như chắc ăn hơn cả. Tuy nhiên, nói vậy cũng không hoàn toàn chính xác. Đã gọi là tiền nhà nước đầu tư thì chúng tôi phải chọn kịch bản nghiêm túc một chút chứ không thể chọn dạng sinh hoạt dễ dãi. Mà kịch bản nghiêm túc thì đa số đơn vị hơi ngán. Nhưng mấy năm gần đây đã có sự xích lại gần nhau giữa tiêu chí hai bên, kịch bản của trại đã gần gũi công chúng hơn, các đơn vị cũng làm ăn nghiêm túc hơn.
* Nghe nói trại sáng tác năm ngoái không chọn được kịch bản nào. Vậy kinh phí có bị lấy lại?
- Năm ngoái không có tác phẩm nào đạt yêu cầu, chúng tôi kiên quyết không hạ thấp chất lượng, đề nghị Nhà nước giữ lại kinh phí gộp luôn cho năm nay. Sáng tạo đâu phải như cái máy cứ ra sản phẩm đều đều. Biết đâu năm nay tài năng nhiều hơn, vậy phải có kinh phí nhiều để chi.
* Hình như lực lượng tác giả đang... âm thịnh dương suy?
- À, năm nay xuất hiện khá nhiều cây bút nữ, viết rất sung sức. Như Vương Huyền Cơ, Kim Oanh, Nguyễn An, Thanh Hương, Thu Phương, Minh Nguyệt, Ngọc Trúc, Mỹ Dung... Cây bút nữ phả vào đời sống sân khấu nhiều chất liệu tình cảm gia đình, tình yêu, khá gần gũi và tinh tế. Phụ nữ có thế mạnh riêng. Vì vậy không ngạc nhiên khi tác phẩm của họ thường lọt mắt xanh các đơn vị sân khấu.
Hoàng Kim (thực hiện)
Bình luận (0)