Việc tăng mua đã đẩy giá vàng thế giới tăng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước tăng chậm hơn rất nhiều.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trên thị trường Mỹ ngày 27.3, Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã thực hiện mua 11,12 tấn, nâng lượng vàng nắm giữ lên 964,66 tấn. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Quỹ SPDR mua vàng, với tổng khối lượng mua trong 5 ngày lên đến 56,48 tấn và cắt đứt các hoạt động bán tháo của tuần trước đó. Động thái đảo ngược từ bán ròng sang mua ròng 30,43 tấn vàng từ đầu tháng đến nay của Quỹ này đã đẩy giá vàng tăng ở mức cao trong suốt tuần qua. Hôm qua, 28.3, giá vàng thế giới ở mức 1.629 USD/ounce, tăng khoảng 140 USD/ounce so với giá đầu tuần. Giá vàng miếng SJC cũng tăng nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều, chỉ tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với đầu tuần. Điều này dẫn đến mức sinh lời của vàng trong nước không như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ngày 23.3, ông Tâm (Q.5, TP.HCM) mua 3 lượng vàng với giá 46,6 triệu đồng/lượng. Ngày 28.3, giá mua vàng miếng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC ở mức 47,1 triệu đồng/lượng, giá bán 47,9 triệu đồng/lượng, ông Tâm lời mỗi lượng 500.000 đồng nhưng "tức không chịu được" bởi giá vàng thế giới tăng đến 140 USD/ounce trong tuần qua, tương đương gần 4 triệu đồng/lượng. Có thời điểm, giá vàng thế giới tăng đến 100 USD/ounce mà ông Tâm vẫn bị lỗ do giá công ty mua vào vẫn thấp hơn 46,6 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nhận xét, diễn biến giá vàng trong tuần qua đúng là gây ức chế cho người mua khi giá thế giới tăng vù vù mà trong nước không tăng. Tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới 4 - 5 triệu đồng/lượng; chênh lệch giá mua và bán vàng ở mức cao 1 triệu đồng/lượng; người tiêu dùng mua giá cao, bán ra lại thấp… là những bất cập của thị trường cần có hướng giải quyết để nhà đầu tư không mất niềm tin vào thị trường này.
Bình luận (0)