'Ông lớn' ngân hàng không cho vay bất động sản?

15/02/2023 06:38 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không lo hạn mức tín dụng thời điểm này, nguồn tiền huy động lên hàng triệu tỉ đồng chảy vào đâu?

CHO VAY CÁ NHÂN NHIỀU NHẤT

Công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng (NH) năm 2022 vào khoảng 14,5%, tương ứng dư nợ cho vay lên gần 12 triệu tỉ đồng. Trong đó, dòng vốn chảy mạnh vào nhóm các hoạt động thương mại, vận tải, viễn thông; công nghiệp và xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; dịch vụ khác… Riêng dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng 24,27% so với cuối năm 2021, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng: Kinh doanh BĐS tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%...

“Ông lớn” ngân hàng không cho vay bất động sản ? - Ảnh 1.

Nguồn vốn cho vay khách hàng cá nhân đang ngày càng gia tăng

NGỌC THẮNG

Thế nhưng theo báo cáo tài chính của một số NH lớn nhất thì dòng vốn cho vay đối với lĩnh vực BĐS lại khá thấp hoặc không rõ. Chẳng hạn theo Báo cáo tài chính quý 4/2022 hợp nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) công bố đến cuối năm 2022 dư nợ cho vay khách hàng là 1,14 triệu tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2021. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 6.623 tỉ đồng, tăng 50% so với năm 2021. Phân loại nhóm vay theo ngành thì Vietcombank đang cho vay sản xuất và gia công chế biến là 243.683 tỉ đồng (tương ứng 21% tổng dư nợ); thương mại dịch vụ là 184.463 tỉ đồng (16%); ngành xây dựng là 75.113 tỉ đồng (6,5%)... Số cho vay lớn nhất là hơn 478.140 tỉ đồng, chiếm 41,7% tổng số tiền cho vay nhưng được Vietcombank liệt vào nhóm các ngành khác mà không nêu cụ thể. 

Ngoài ra, Vietcombank hiện rót hơn 196.252 tỉ đồng vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành. Như vậy, bản thân "ông lớn" này không hề thấy cho vay ngành BĐS. Còn nếu phân loại theo đối tượng khách hàng thì đến cuối năm 2022, Vietcombank cho vay cá nhân là 540.349 tỉ đồng (chiếm 47% tổng dư nợ cho vay). Kế đến là những đối tượng khác (không nêu rõ) đạt 249.464 tỉ đồng (gần 22%) và cho vay công ty trách nhiệm hữu hạn đạt hơn 203.088 tỉ đồng (17,7%)...

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) công bố lượng tiền cho vay đạt 1,52 triệu tỉ đồng, tăng 12,4% so với năm 2021. Danh mục cho vay của BIDV chủ yếu tập trung vào bán lẻ, doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong cho vay bán lẻ, kinh doanh hộ gia đình chiếm 43,1%, vay mua nhà 34,8%, còn lại cho vay tiêu dùng. Danh mục cho vay theo ngành nghề cải thiện tích cực nhờ gia tăng cho vay các ngành tăng trưởng mạnh như dịch vụ, bán buôn, bán lẻ; ngược lại giảm cho vay các ngành rủi ro cao như BĐS, khai khoáng, sản xuất. Nhà băng này cũng không công bố chi tiết các khoản cho vay đối với từng ngành nghề.

Tương tự, trong năm 2022, Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) công bố cho vay 1,27 triệu tỉ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021. Nguồn vốn cho vay của NH ưu tiên vào khối bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các ngành nghề, lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ và SME tăng trưởng từ 58,6% năm 2021 lên 63,1% năm 2022, trong đó tỷ trọng dư nợ bán lẻ cải thiện từ mức 32,2% năm 2021 lên 37,2% năm 2022. Ngân hàng này không công bố rõ số tiền cho vay đối với các ngành kinh doanh.

Ở khối NH cổ phần tư nhân, Báo cáo quý 4/2022 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) cho thấy số tiền cho vay khách hàng đến hết năm 2022 là 420.523 tỉ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2021. Trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 0,22%, tương đương 999,9 tỉ đồng. Còn trong cơ cấu cho vay đối với các doanh nghiệp, tổ chức thì cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản là 108.906 tỉ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2021 và chiếm gần 26% tổng dư nợ cho vay. Cho vay lĩnh vực xây dựng hơn 12.147 tỉ đồng (2,9%)… Lớn nhất là khoản cho vay cá nhân của Techcombank, lên đến 226.504 tỉ đồng (gần 54%, tăng 40% so với năm trước đó). Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đầu tư hơn 103.651 tỉ đồng vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…

DÙNG KỸ THUẬT PHÂN LOẠI VỐN CHO VAY ?

Theo kết quả khảo sát tín dụng của các NH do Vụ Dự báo - Thống kê NHNN đưa ra, nhu cầu tín dụng dự báo trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng đối với các lĩnh vực, cụ thể lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh xuất, nhập khẩu; mua nhà để ở; đầu tư ngành dịch vụ logistics; đầu tư ngành vận tải, kho bãi là 5 lĩnh vực có số lượng NH đánh giá nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất trong năm 2022. Đáng chú ý, nhu cầu tín dụng đầu tư, kinh doanh du lịch được đánh giá đã phục hồi mạnh trở lại trong năm 2022. Sang năm 2023, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là lĩnh vực có số lượng NH dự báo nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất, xếp thứ 2 là lĩnh vực xây dựng thay vì lĩnh vực mua nhà để ở, tiếp theo là lĩnh vực đầu tư vận tải kho bãi và kinh doanh xuất nhập khẩu…

Các NH hiện nay đang cho vay với lãi cao và có thể thực hiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn hiện nay. Lạm phát của VN chỉ quanh mức 4% thì các NH có thể huy động mức lãi suất thấp hơn để điều chỉnh lãi vay xuống. Mới đây, một số NH cho hay sẽ giảm lãi huy động nên khả năng sắp tới lãi vay sẽ được điều chỉnh. Còn nếu lãi vay quá cao, không những không cho vay được mà NH còn đứng trước vấn đề nợ xấu, ảnh hưởng đến lợi nhuận.


PGS - TS Đinh Trọng Thịnh

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành NH năm qua đã ở mức cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị thiếu vốn. Không loại trừ một số NH thương mại chỉ tập trung cho vay đối với một số doanh nghiệp thân quen. Song song đó, tỷ giá hối đoái trong năm vừa qua cũng biến động mạnh nên có thể một phần dòng vốn cũng chuyển sang trú ẩn ở các đồng ngoại tệ. Đó là chưa kể vẫn có một số kỹ thuật để NH ghi nhận dòng vốn cho vay từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác để trích lập dự phòng thấp hơn… Lợi nhuận từ hoạt động cho vay vẫn đóng góp phần lớn của các NH. Nhưng việc NIM (biên lợi nhuận ròng) của một số nhà băng vẫn duy trì trên mức 5% là quá cao. Thậm chí trong những năm dịch Covid-19 bùng nổ thì biên lợi nhuận của nhiều ngân hàng cũng không giảm. Chứng tỏ các NH đã bất chấp lời kêu gọi từ Chính phủ, NHNN là cần giảm lãi vay để đồng hành với doanh nghiệp và người dân. Như vậy chỉ kêu gọi suông là không có hiệu quả để kéo giảm lãi suất cho vay

Từ đó TS Lê Đạt Chí cho rằng NHNN có thể nghiên cứu xem xét tăng cung tiền cho các NH quốc doanh để các nhà băng này tăng tốc đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi hơn. Các doanh nghiệp, cá nhân sẽ tìm đến nơi có lãi suất thấp khi có nhu cầu vốn. Từ đó mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhanh khi những đơn vị khác buộc phải có sự cạnh tranh để thu hút khách hàng. Tuy nhiên nếu áp dụng cơ chế này thì cơ quan quản lý phải thực hiện giám sát nghiêm để tránh dòng vốn từ các NH quốc doanh chảy nhiều vào các lĩnh vực rủi ro hoặc thậm chí có kiểu "bắt tay" nhau để duy trì lãi suất cao…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.