Ông Lý Sinh Sự nói hay đừng?

22/06/2008 00:08 GMT+7

Nhà báo Trần Đức Chính hiện là Tổng biên tập Nhà báo và Công luận, còn ông Lý Sinh Sự vẫn “sinh sự” trên nhiều đầu báo. Người đọc, bạn bè quen gọi ông là bác Lý, ông Lý, lão Lý thay vì cái tên cúng cơm. Làm báo, “chết” với bút danh như ông, âu cũng là một hạnh phúc.

* Cái tên Lý Sinh Sự đã bao nhiêu tuổi rồi, thưa ông? Nguyên nhân khai sinh của nó? Đã bao giờ ông gặp phiền hà vì bút danh này?

Đã được hơn một thập kỷ, lúc đầu chuyên mục Nói hay đừng trên Báo Lao Động do anh Ba Thợ Tiện (Nhà báo Hoàng Thoại Châu) đảm trách. Khoảng năm 1994, anh Ba nghỉ, tìm người thay khó quá, tôi đành kiêm nhiệm. Đã làm phải làm theo phong cách của mình, đứng mục cũng là đứng cái tên. Nước mình đã có nhiều cụ Lý, Lý Toét, Xã Xệ thành danh từ ngót trăm năm trước trên báo đàn, còn Lý Sinh Sự là tên của một người làm báo tuyên chiến với thói hư tật xấu và cả những nghịch lý ở đời. Cuộc đời đầy nghịch lý, con người tạo ra nghịch lý, con người cũng hay làm trái với đạo lý, với 14 điều Phật dạy. Sinh sự thì sự sinh! Tôi làm báo đã 40 năm có lẻ, cũng có tai nạn nghề nghiệp chứ, vì có ai thích bị bóc mẽ đâu? Vui là mỗi khi chuyên mục Nói hay đừng chuyển lung tung trang nọ trang kia thì bạn đọc lại hỏi “Lão Lý đi đâu?”, tôi nói: “Dọn nhà từ quận nọ sang quận kia, chưa phải ra ngoại thành!”.

* Viết những đoản văn ngăn ngắn, châm biếm nhiều hơn là khen ngợi. Và đương nhiên càng không “dễ nuốt”. Ông đi trên dây hay đang đi sát mép nước?

Đã viết đả kích châm biếm thì nhai cũng khó nói chi nuốt! Viết thì phải chính xác, nói có sách, mách có chứng nhưng lại “đá móc” mới vui. Viết xong có cái sướng giống như mình xuất được 1 chiêu vậy. Nói leo dây là đúng, ông Nguyễn Lân Dũng cũng nói vậy đó, còn nói đi sát mép nước thì văn chương quá. Mình lội ngược dòng, cho chuồn chuồn cắn rốn tập bơi từ thời kháng Pháp, sá gì?

* Có khoảng cách nào giữa hai kiểu viết trữ tình và châm biếm? Với mỗi thể tài ấy, ông thích mình ở đâu?

Đúng là một bà mẹ da trắng, đẻ đàn con da trắng nhưng có khi lại lẫn đâu một chú da đen. Đó không phải là ngoại tình, đó có khi là cái gen sâu thẳm nào đó trong nguồn gốc. Thế nên thi thoảng ông Lý lại nảy ra chút ít trữ tình, có khi hâm lên còn làm cả thơ, nhưng viết báo thấy no bụng hơn!

* Ông dành nhiều thiện cảm cho Lỗ Tấn, nhà văn Trung Quốc ấy ảnh hưởng những gì trong cách hành văn của ông?

Lỗ Tấn là “người nhiều chữ” nhất Trung Hoa. Với con người “trợn mắt coi khinh nghìn lực sĩ, cúi đầu làm ngựa lũ hài nhi” còn hơn cả thiện cảm, tôi tâm phục. Bên cạnh những tác phẩm đả kích mạnh mẽ, Lỗ Tấn cũng có những truyện ngắn buồn tê tái, tê tái đến tận những đầu ngón tay, ngón chân.

* Chính luận nghiêm túc, chính luận pha trộn sự hài hước…, ông thường nghiêng về phía hài hước hơn. Dường như ngay cả đời thường cũng vậy. Sống để hài hước, có khó không, thưa ông?

Tôi không phải là một trong Những người thích đùa của Azit Nexin. Có điều, những người đầy đủ thường sống vui vẻ nhưng không có định lý đảo là những người sống vui vẻ hài hước là đầy đủ cả đâu.

Ảnh: Trường Sơn

* Ông thường thức dậy lúc mấy giờ và làm gì đầu tiên vào buổi sáng?
Tôi dậy lúc 2, 3 giờ sáng, làm việc đến giờ đi ăn phở rồi làm việc (kiểu ngủ của người già).

* Cuốn sách ông đang đọc là gì?
Khổng Tử và Lênin, chưởng Kim Dung cũng thích.

* Tờ báo đầu tiên ông đọc mỗi ngày là Lao Động hay Nhà báo Công luận?
Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong...

* Ông tự thấy mình có tật gì xấu nhất?
Ngủ ngáy to (viêm xoang mãn tính)

* Và ưu điểm gì ở ông mà ông thấy mọi người không chịu nhận ra?
Tôi hay đùa nhưng cũng rất thương ngầm...

* Nếu không là một nhà báo, ông sẽ là ai?
Chắc tôi bằng vai với gã đài phường ngồi quán cóc.

* Ông có sợ những “sinh sự” của đời thường không?
Không, quen rồi, nhưng chán!

* Một ngày không phải làm việc, ông sẽ làm gì?
Lai rai với bạn bè, dù chỗ thú vị bây giờ khó kiếm quá!

* Ông thấy mình khác nhiều không với cách viết, cách thể hiện cá tính và tựu trung lại là cách hành nghề của lớp nhà báo trẻ hậu sinh?

 Cách đây 40 năm tôi cũng là nhà báo trẻ, chỉ được phép ký PV, còn lâu mới có tên trên báo. Bây giờ các bạn trẻ được tự do thể hiện, nhưng cũng không có nghĩa là kiểu gì cũng chơi. Nghề báo đôi khi giống nghề võ kungfu, luyện bao lâu mới có công lực, chiêu thức ra hồn. Trong võ lâm có người may mắn vớ được bí kíp thì cũng phải ẩn tích đến 10 năm mới xuống núi hành hiệp. Nhà báo thì luyện võ giữa đời, các bạn nhà báo bây giờ hơn chúng tôi là thông tin có được nhiều chiều, chứ ngày xưa chúng tôi chỉ có thông tin một chiều thôi.

* Đức tính nào của một phóng viên trẻ mà ông đánh giá cao? Ông sẽ sa thải một phóng viên khi anh ta phạm lỗi gì mà theo ông là không thể tha thứ với một người làm báo?

Phóng viên trẻ ngày nay tham gia vào xa lộ thông tin thoải mái như đi... nhà hàng. Tôi không phải chủ doanh nghiệp để có thể sa thải một nhân viên ngay lập tức, nhưng nhà báo mà vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì không thể tha thứ.

* Hai vợ chồng cùng là nhà báo, điều gì khó thỏa hiệp nhất trong cuộc sống gia đình?

Về cơ bản, vợ tôi lãnh đạo tôi (bà ấy làm báo Đảng - Hà Nội mới). Bây giờ hai vợ chồng chung tổ hưu, bà ấy suốt ngày giục tôi nghỉ hẳn để đi tập dưỡng sinh với khiêu vũ cổ điển, rồi còn cho mèo, cho chó ăn, chăm chút mấy chậu cảnh. Một gã vào đời đã lang thang viết phóng sự như tôi mà bây giờ suốt ngày lom khom trên ban công thì còn ra thể thống nào nữa? Tôi yêu gia đình bằng trái tim mình nhưng trái tim tôi lại thuộc về nghề báo!

* Bài báo nào ám ảnh ông nhất trong chuỗi bài ông đã viết với cái tên Lý Sinh Sự? Và bài báo nào cũng có dư vị ấy nhưng tác giả là nhà báo Trần Đức Chính?

Tôi cắt ra được cả một rổ những bài viết Nói hay đừng của mấy chục năm nay. Làm sao đủ trí nhớ để nghĩ rằng bài nào ám ảnh nhất? Những dư vị lại hay có từ những bài tản mạn hay Chuyện dọc đường mà tôi ký bút danh Hà Văn hoặc những phóng sự Hà Nội tôi ký Trần Chính Đức. Chỉ khi viết chính luận, tôi ký tên cúng cơm: Đức Chính.

* Ông viết có khó khăn không? Khi bí từ nhất, ông thường tìm cách gì thư giãn để có thể bắt lại mạch viết?

- Tôi chưa bao giờ có đủ thời gian để nói rằng mình gặp khó khăn khi viết. Đến giờ nộp bài là phải ngồi vào bàn. Tôi chưa từng ngừng viết vì bí từ, chỉ khi viết được một câu ẩn ý mà đắc ý, mới dừng 1 phút tự thưởng cho mình một ly rượu, một điếu thuốc vina. Lén lút để không ảnh hưởng đến vợ con, nhưng bà xã tôi thính mũi lắm!

* Nhân vật trong rất nhiều tiểu phẩm của ông là “gã đài phường”. Đài phường có giống với loa phường không vậy?

Tôi hoàn toàn không thích loa phường. Thông báo nội bộ thì tạm được nhưng lại còn làm báo về ca nhạc nữa thì ầm ĩ quá. Còn gã đài phường là nhân vật chế tác của tôi. Bản thân ông Lý và gã đài phường đều là những triết gia buôn dưa lê vỉa hè. Nhưng hình như khi người ta ngồi quán cóc vỉa hè với chiếc ghế nhựa thấp thì nhìn đời thông thoáng hơn, trong sáng hơn...

* Ông có hài lòng với hiện tại không? Để làm mình hài lòng, với ông có phải là điều quá khó?

Nói hài lòng là nói dối nhưng chỉ ra những cái không hài lòng cũng là cửa ải khó vượt qua. Cụ Nguyễn Tuân từng đề vào một cuốn sách: “Có những sự thật không tiện nói ra”, nghe nói vì điều đó mà có người ghét cụ, nhưng có ai dám chê văn cụ Nguyễn? Tôi muốn đời sống bình thường ngày ăn hai bữa rưỡi, ly rượu, vại bia la đà. Thế nhưng khi viết cũng cần một cái bàn và không nên có ruồi... như Azit Nexin đã viết!

Lê Thị Thái Hòa (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.