Bất chấp những chỉ trích và phản đối của các nước, lãnh đạo Đài
Loan Mã Anh Cửu đã đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt
Nam ngày 28.1.
Lãnh đạo Đài Loan đã đến đảo Ba Bình, bất chấp phản đối của các nước - Ảnh tư liệu |
Sáng 28.1, ông Mã Anh Cửu đã đáp chuyến bay xuống đường băng trên đảo Ba Bình để thực hiện cái gọi là “khẳng định chủ quyền” của Đài Loan đối với hòn đảo nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cùng đi với ông Mã còn có khoảng 30 người khác của chính quyền Đài Loan. Hãng AP đưa tin, sau khi đặt chân lên đảo, ông Mã phát biểu trước một tượng đài, nhắc đến những gì chính quyền Đài Loan đã làm, kể cả việc xây dựng trái phép ngọn hải đăng, một bệnh viện nhỏ và nâng cấp cảng trên hòn đảo.
Với diện tích 46 hecta, Ba Bình là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, bị Đài Loan chiếm giữ từ năm 1956. Chuyến đi của ông Mã bị Mỹ, Philippines và Việt Nam phản đối và chỉ trích.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng Mỹ rất thất vọng với chuyến thăm của ông Mã. “Chúng tôi không đồng ý với chuyến đi và xem đó là hành động làm căng thẳng thêm tình hình hơn là điều chúng tôi trông đợi là giảm xung đột ở khu vực này”, người phát ngôn Toner nói.
Trong khi đó, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng ông Mã muốn “làm màu” trước khi hết nhiệm kỳ vào tháng 5.2015. Lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ tiến bộ (DPP) Thái Anh Văn, người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 16.1, đã từ chối khi được đề nghị cùng tham gia chuyến đi.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của CSIS ở khu vực châu Á, nhận định: “Chuyến đi của ông Mã đến đảo Ba Bình sẽ tiếp tục kích động mâu thuẫn dân tộc ở những nước có tranh chấp và làm tăng thêm căng thẳng ở Biển Đông”.
Đây là nhà lãnh đạo thứ hai của Đài Loan đến đảo Ba Bình. Hồi năm 2008, ông Trần Thủy Biến đã đến hòn đảo này, theo AP.
Bình luận (0)