Ông Miura cô đơn

17/12/2015 09:44 GMT+7

Chiến lược gia người Nhật đang gặp rất nhiều khó khăn với làng bóng Việt Nam và ngày càng trở nên cô đơn giữa đám đông từng ngợi ca ông như một nhà cứu rỗi.

Chiến lược gia người Nhật đang gặp rất nhiều khó khăn với làng bóng Việt Nam và ngày càng trở nên cô đơn giữa đám đông từng ngợi ca ông như một nhà cứu rỗi.

Sự thất vọng đầy biểu cảm của HLV Miura trong một buổi tập - Ảnh: Minh Tú
Ông Miura từng tiết lộ bóng đá Việt Nam chỉ thuộc hạng nghiệp dư ở Nhật và điều đó chứng minh qua hai trận U.23 quốc gia thua đội hạng 4 J-League là JFL Selection, với tổng tỷ số 0-5.

HLV Miura đã nhìn thấy điều này từ rất lâu rồi, sau hồi cuối năm ngoái, ông từng trả lời phỏng vấn truyền hình Nhật về những hạn chế của làng bóng và những nhà làm bóng đá Việt Nam.

Cách nhìn nhận của ông Miura không sai và đấy cũng là lý do ông đề nghị VFF chỉ mời đội nghiệp dư Nhật sang đá giao hữu thua hai trận cùng lối ví von: “Thà thua đội mạnh còn hơn thắng đội yếu”.

Cho dù người hâm mộ không chút vui vẻ gì, thậm chí còn la ó phản ứng khi chứng kiến hai trận đấu ấy trên sân Hàng Đẫy nhưng ông Miura vẫn thấy thú vị và hài lòng vì cái thua vỡ ra nhiều bài học quý cho học trò.
Áp lực đè lên vai Miura đang là rất lớn - Ảnh: Minh Tú

Mới đây, ông Miura lại chia sẻ với truyền thông Nhật và tiếp tục chê bai bóng đá Việt Nam không cãi vào đâu được, nhất là lúc ông vạch ra sự yếu kém ấy qua trận đấu với JFL Selection.

Sự nghiệp dư thể hiện rõ nhất là việc ông buộc các học trò mình phải ra hiệu và bắt tín hiệu với nhau trên sân cỏ. Ông chê cầu thủ khi mất bóng không tham gia phòng ngự, không tích cực tranh cướp bóng mà chỉ đứng nhìn.

Ông Miura còn nói bóng đá Việt Nam không có thói quen nghiên cứu và phân tích đối thủ - điều mà VFF hay giao trọn gói cho các đời tiền nhiệm nhưng gần như chỉ có thời của HLV Calisto biết làm nhờ sự trợ giúp của bạn già cố vấn Rainer…

Chỉ tiếc là những tồn tại cũ của bóng đá Việt Nam, của những nhà quản lý và điều hành làng bóng, của cầu thủ… vẫn không có chuyển biến. Họ quen với kiểu giao khoán trọn gói, còn cầu thủ đến hẹn lại lên tuyển rồi thi xong xuôi tất cả lại về CLB lặp lại thói quen cũ.

Có thể thấy giữa quá nhiều bộn bề và toan lo ấy, ông Miura không đủ sức gồng gánh mọi thứ. Ông từng đề nghị VFF cho ông đưa sang một đội ngũ giúp việc người Nhật Bản mà bất thành. Chỉ còn lại một nhân vật đồng hương cần kíp nhất là chuyên gia thể lực Shinichi thì nghiệt nỗi những ca chấn thương trên tuyển không có dấu hiệu dừng lại mà ngày một dài ra.
Sự trầm tư quen thuộc của HLV Miura - Ảnh: Minh Tú

Ông Miura đang làm việc ở một môi trường và không khí ngột ngạt, sau lần bị “tấn công” từ trong Hội nghị VFF, từ trên khán đài của những nhóm khán giả buông lời chỉ trích đội tuyển đá thiếu sinh khí…

Đổi lại chỉ là một sự im lặng đáng sợ của những người thuê ông.

Sự cô độc của Miura ngày càng rõ hơn, khi quanh đi quẩn lại không còn chỗ dựa đáng tin cậy. Các trợ lý gần gũi ông nhất thì cứ an phận với phần việc của mình và gần như không nghe, không thấy, không nêu chính kiến hoặc góp ý, phản biện về mặt làm được hay chưa được của HLV trưởng để cùng nhau điều chỉnh, thay đổi.

Và một khi VFF giao cho ông Miura chỉ tiêu chỉ cần thắng một trận ở vòng chung kết U.23 châu Á vào tháng 1.2016, chẳng khác gì thừa nhận cửa vào sâu cho đội tuyển U.23 Việt Nam không có.

Có thể sau giải này, ông thầy người Nhật với bóng đá Việt Nam sẽ không cùng nhau đi chung trên một con đường nữa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.