Bây giờ tên ông là Lê Hận, ở thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình. 57 tuổi, ông là một ngư dân của làng nghề từ 35 năm nay...
Lên 10 tuổi, ông đau mắt đỏ. Nhà nghèo không tiền đưa đi chữa chạy nên ông bị mù. “Ngày mô tui cũng lần ra đường cát gặp đám trẻ cùng lứa đi qua và hóng hớt chuyện của chúng nó. Té ra bên ngoài đôi mắt đen của tui là cả một thế giới thật khác lạ” - ngừng đôi tay đang thoăn thoắt vá lưới đánh cá trước sân nhà, ông Hận bộc bạch.
Khát khao
12-13 tuổi, ông bám theo lưng đám bạn lần tới ngôi trường cấp I-II gần nhà. Khi đám bạn vào học thì ông đứng ngoài cửa sổ ngước mặt “nhìn” vào. Không thấy được, nhưng ông có đôi tai thính nhạy. Thế là đám bạn ở trong lớp cứ đọc, bên ngoài ông đứng dỏng tai lên nghe. Thời đó khác thời nay nên nhà trường không nhận ông. 16 tuổi, bạn bè học xong cấp II thì ông ở nhà đi biển.
Gian nan Cầm lưới, cảm thấy lưới không chao đảo là ông biết cá mắc phía trên gáy lưới, đầu cá hướng qua phía bên phải. Nếu lưới bị đảo liên tục là cá nằm ở đáy lưới, đầu quay hướng bên trái... Chỉ khổ cho ông là về mùa gió bấc lạnh. Anh em quấn khăn lên đầu, chỉ trừ hai con mắt để chống lạnh, thì ông phải để hở cả tai lẫn mũi để nghe, để ngửi mùi biển... |
Đi biển, trước hết phải biết bơi. Đám bạn thân của ông ngày ấy là Hoán, Điều, Chiểu... tranh thủ những lúc thuyền nghỉ đi khơi đưa ông ra biển tập bơi. Ngày đầu ông ngộp trong làn nước mặn. Ông vùng, đạp loạn xạ, cố đưa người ra phía ngoài khơi để... vào bờ. Ông bị uống không biết bao nhiêu nước. Cuối cùng ông biết bơi. Ông sướng vì còn biết nghe tiếng sóng vỗ mà nhận ra đâu là hướng bờ.
Khi ông bơi rành, bạn bè rủ đi bắt cá ngoài biển. Buổi đầu chỉ là xúc cá, cua bằng vợt ven bờ. Ba ông làm cho cái vợt nhỏ. Những ngày đầu ông xúc lung tung xuống nước, chẳng kiếm được con nào. Dần dần ông có kinh nghiệm hơn nên về sau ngày ít ngày nhiều đều có cá vào vợt.
Đến khi ông bắt được mớ cá hơi nhiều, tuy không bằng đám bạn ông bắt ráng, nhưng ông mừng lắm. Mẹ ông thương quá, muốn làm con vui nên đem mớ cá và dắt ông ra đường làng khoe với mọi người: “Cá thằng Hận đánh được ngoài biển đó”. Tối, ông ấp mấy đồng bạc mẹ bán được cá vô ngực, nước mắt lưng tròng: “Con giúp được ba mạ rồi ba mạ ơi. Con sống được rồi!”.
Rồi ông lần ra bắt cá cách bờ 100m, 200m... rồi cách cả nửa cây số. Rồi ông theo bạn ra biển. Dần dà ông trở thành một lao động trong gia đình từ khi nào không ai nhớ.
“Quái kiệt” biển khơi
“18 tuổi, tui được đám bạn cho lên thuyền đi đánh cá ngoài khơi. 15-20 lần đầu đi khơi là 15-20 lần tui nằm một chỗ trên thuyền, nôn ói suốt. Lắm lúc thối chí, tui nghĩ: thôi kệ, chết thì chết, có mô mà khổ như rứa!” - ông Hận kể. Ai cũng tưởng ông bỏ cuộc. Nhưng khi bạn đến nhà nói ngày mai thuyền tiếp tục đi là từ rạng sáng ông đã có mặt ở bờ biển ngồi chờ. Mỗi lần đi biển như vậy về chủ thuyền cho ông 10-15 cân cá. Ông nhướng mi mắt lên, nói: “Lúc đó tui càng phấn khởi hung nên càng siêng ra biển, quyết trở thành ngư dân thực thụ”.
Ông thành lao động chính trên thuyền sau hơn một năm đi tập. Ông còn nhớ: “Một hôm tui đang ngồi rờ cá thì ông Nhặt chủ thuyền kêu tui với anh em lại rồi tuyên bố: từ hôm ni thằng Hận là lao động chính của thuyền ta, anh em bảo ban nhau mà làm”. Ông Nhặt bắt ông từ chuyến sau là phải góp vốn vô mua thêm lưới mà mần ăn. Cũng từ đó ăn chia trên tàu bằng nhau cả. Những chuyến đi chính thức trên biển liền đó ông được phân công ngồi vị trí cố định làm việc bủa lưới, kéo lưới, gỡ cá. Ông cho biết: “Không nhìn thấy chi nên tui phải tập trung vàothính giác và độ nhạy nơi hai bàn tay. Lâu dần thành quen, tui còn gỡ cá nhanh hơn cả anh em sáng mắt nữa đó...”.
Ông Lê Văn Nhặt khâm phục khi nói về ông Hận: “Sau một năm làm lao động chính thì Hận rành rẽ hết mọi công việc đánh cá trên tàu như buông neo, thả lưới, lấy neo, kéo lưới, vá lưới... Đường đi lối lại trên tàu như xuống khoang máy, tới trụ tời, cột buộc dây lưới... ông rành hết. Anh em hô mần cái chi là ông mần tròn vo. Ông giúp anh em nghe ngóng thời tiết trên biển rất tài”.
Ông Hận đi biển được, ba mẹ ông đỡ lo cho ông sau này. Nên năm 24 tuổi ông theo lời ba mẹ nghĩ đến chuyện lấy vợ. Bà Nguyễn Thị Long, cô gái trong làng thời bấy giờ, nói: “Tui thấy ông nớ mù nhưng siêng năng, lại đi biển giỏi như người ta nên tui mới thương rồi lấy”. Bà Long sinh được người con đầu thì ông tính bỏ đi biển vì... sợ. Lần đó, tàu bị bão ngoài khơi. Sóng bủa vây tứ bề. Ông mù nên sợ tàu chìm không biết phương hướng nào mà vô bờ. Tàu đang cố chạy vô thì chìm. Ông bơi vô hướng bờ theo giác quan mách bảo sau bao năm đi biển. Ông kể: “Người sáng nhìn thấy sóng tràn tới thì lặn xuống tránh được, còn tui không thấy nên bị sóng đánh cho tơi tả áo quần... ngất xỉu. May có ông bà bưng hộ nên sóng đánh tấp lên bờ, dân làng ra thấy nên cứu thoát chết”. Trận đó ông bị trặc hết khớp xương tay, chân, vai nằm viện mất hai tháng. Và ông lòng dặn lòng là không bao giờ đi biển nữa.
Thấm thoắt đã gần 35 năm ông Hận mù đi biển. Bây giờ nhà ông có hai tàu xa bờ trị giá cả tỉ đồng cho hai con trai đi biển. Hơn chục thanh niên trong vùng có việc làm ăn trên hai tàu này. Đã 57 tuổi, không còn ra được biển xa như trước, ông với bạn nghề tuổi tầm tầm như mình đưa thuyền nhỏ ra biển gần kiếm cá tôm lai rai. Ba trong số năm người con của ông cũng theo nghề đi biển. Nay chỉ còn một người chưa lập gia đình. Nhìn đôi tay thoăn thoắt đan lưới của ông, cấm chệch một mũi nào, không ai ngờ là ông bị mù. Ông cho biết: “Đan lưới cũng kiếm được ối tiền, nhưng tui vẫn thích đi biển hơn, đến khi mô già quá thì mới thôi đi”.
Theo Lam Giang / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)