Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ 8: Chuyện ghi trong bản kiểm điểm

29/01/2008 23:47 GMT+7

Khi địch càn quét vì chủ quan nên dời cơ quan trễ, bị lộ dấu chân nên địch theo dấu đó bắn một đồng chí bị thương, phá kho muối 30 gùi của cách mạng" (trích bản kiểm điểm trong lý lịch ông Mười Khôi).

Với phong trào đồng khởi được phát động rộng khắp ở miền Nam, chiến lược "chiến tranh đơn phương" của Mỹ coi như thất bại, chính quyền Ngô Đình Diệm lâm vào khủng hoảng. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20.12.1960), tiếp đó Quân giải phóng miền Nam được hình thành (15.2.1961). Chính người Mỹ thừa nhận: "Hoa Kỳ tìm cách tiêu diệt tổ chức Việt Minh cũ và đặt cho cái tên Việt cộng. Nhưng quá trình đó, Hoa Kỳ lại tạo ra một Việt Minh mới còn lợi hại hơn rất nhiều cái tổ chức Việt Minh cũ mà người Pháp đã phải đương đầu ở miền Nam" (Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng, NXB Tổng hợp TP.HCM, 1990).

Bắt đầu từ năm 1961, Mỹ điều chỉnh chiến lược. Tổng thống Kennedy công bố học thuyết mới và chọn Việt Nam làm thí điểm "chiến tranh đặc biệt", lập tức tăng gấp đôi viện trợ quân sự và đưa 19.000 quân chiến đấu dưới danh nghĩa là cố vấn quân sự qua cứu Diệm. Kế hoạch Staley-Taylor - xương sống của "chiến tranh đặc biệt - được thử nghiệm và sau đó triển khai toàn diện với quyết tâm "bình định" miền Nam trong vòng 18 tháng, dự kiến dồn 10 triệu dân miền Nam vào 16.000 ấp chiến lược, thực chất là các trại tập trung, hòng tiêu diệt toàn bộ lực lượng cách mạng bằng cách "tát nước bắt cá". Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy quân sự (MACV), Bộ Tư lệnh lực lượng đặc biệt, đưa không quân, hậu cần vào miền Nam. Quân đội "quốc gia" của Ngô Đình Diệm được ráo riết tăng cường, sử dụng trực thăng, thiết giáp và trang bị vũ khí hiện đại. Dưới sự chỉ huy và hỗ trợ của Mỹ, quân Diệm mở hàng vạn cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, đánh phá ác liệt vùng giải phóng phục vụ cho việc gom dân lập ấp chiến lược.

Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Đại hội Đảng bộ đầu tiên trong chiến tranh chống Mỹ được tiến hành năm 1960. Ông Trương Chí Cương, Thường vụ Khu ủy về làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Mười Khôi làm phó bí thư, các ông Hồ Nghinh, Bốn Hương, Đỗ Quang Thắng làm Ủy viên Thường vụ. Năm 1961, ông Trương Chí Cương về Khu công tác, ông Mười Khôi làm Bí thư Tỉnh ủy. Quảng Nam - Đà Nẵng lúc này được Khu ủy chỉ đạo làm điểm chống phá kế hoạch Staley-Taylor.

Tướng Nguyễn Chơn nói với chúng tôi: "Công của ông Mười Khôi đối với quân sự lớn lắm. Năm 1962 tỉnh đã xây dựng được một trung đoàn, đó là trung đoàn 1, trung đoàn 1 kiêm tỉnh đội, bí danh là công trường 1. Tôi về phụ trách tác chiến của trung đoàn, vì tôi 9 năm đánh Pháp, chiến đấu tại trung đoàn 803 là đơn vị chủ lực của Liên khu 5, có kinh nghiệm tham mưu tác chiến. Trung đoàn 1 sau này 3 lần được phong anh hùng, là Trung đoàn Ba Gia của Sư 2".

Ông Mười Khôi nhớ lại: "Từ năm 1961, Khu phối hợp với lực lượng của Quảng Ngãi, mở khu Đông Dương Yên rồi chiếm Kỳ Trà (Tam Lãnh), mở ra chỗ quẹo của Tiên Hồ, bao vây Tứ Chánh, xuống huyện lỵ Tam Kỳ, nắm 2/3 dân số. Phía bắc, ta mở lại vùng B Đại Lộc, đánh Phú Thuận, đánh xuống Giảng Hòa, Lộc Mỹ. Ở Điện Bàn, ta mở Sùng Công đánh xuống Điện Tiến, Điện Hòa, lên Hòa Khương, Hương Lam. Thế là ta đã chiếm ba miền trong năm 1962, một ở Tam Kỳ, một ở Điện Bàn ra Hòa Vang, một ở Đại Lộc, nắm 83.000 dân ở phía nam và 112.000 dân ở phía bắc...

Về ấp chiến lược, chúng đã tập trung dân vào mấy cụm lớn. Trên núi thì chúng làm ở Phước Sơn (Ngô Đình Diệm đích thân đến khánh thành), Trà My, Kỳ Sanh (xã Tam Hiệp), Tiên Ngọc (từ Tứ Chánh xuống Phước Lâm), Hạ Hòa (từ Na Sơn xuống vùng trên Phước Lãnh), Cẩm Khê, Cây Cốc, Tam Sơn. Ở vùng ngoài, chúng làm từ Trung Phước lên mỏ than Nông Sơn, Việt An, quận lỵ Quế Sơn, khu An Hòa (tây Duy Xuyên), Vĩnh Điện, Quá Giáng, Ngũ Giáp, Túy Loan, Nam Ô, Thủy Tú... Khi các ấp chiến lược đã xây dựng hoàn thành, chúng đưa quân đi càn quét đánh ta. Trận càn Bình Châu, chúng dùng 19 tiểu đoàn đánh ta trong 9 tháng liền. Chúng đánh lấy lại một số lớn dân: 83.000 dân phía nam của tỉnh chỉ còn 25.000, 112.000 dân phía bắc chỉ còn 30.000. Chúng ráo riết lập lại ấp chiến lược. Tuy vậy, đối với lực lượng quân sự của ta, chúng không làm gì được. Đây là bài học kinh nghiệm tốt của toàn khu" (tài liệu đã dẫn).

Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo mọi mặt của chiến trường từ xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, tổ chức hậu cần, bố trí tác chiến..., ông Mười Khôi hoàn toàn không phải là người "lãnh đạo chung", mà rất cụ thể. Đọc lại những bản kiểm điểm của ông và các hồi ức của những người cùng thời ta có thể thấy điều đó. Trong một bản kiểm điểm năm 1961, ông viết: "Năm 1960, khi địch càn quét vì chủ quan nên dời cơ quan trễ, bị lộ dấu chân nên địch theo dấu đó bắn một đồng chí bị thương, phá kho muối 30 gùi của cách mạng. Năm 1961, đánh địch ở một nơi gần cơ quan không đề phòng chuyển chỗ ở để bị địch ném bom chết một đồng chí, bị thương một đồng chí".

Về "một đồng chí bị thương", ông Phan Đấu, người phụ trách Văn phòng Tỉnh ủy lúc đó thuật lại như sau: Lúc đó cơ quan Tỉnh ủy đóng cách đồn địch khoảng "nửa ngày đường đi bộ", nhưng bị phát hiện. Địch dùng một tiểu đoàn biệt động cùng quân đồn trú càn quét, "ta chạy trước, địch đuổi theo sau", cuối cùng cũng thoát được, nhưng một cán bộ văn thư tên là Trung bị mất tích. Sau khi địch rút quân về, ông Phan Đấu nhớ lại: "Cơm tối xong, anh Mười Khôi, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì cuộc họp bàn ngày mai phải tìm cho được đồng chí Trung. Phân công một nhóm do Lê Hữu Đức chỉ huy, có đồng chí Kỳ cán bộ quản trị cơ quan thông thạo địa hình, giỏi tiếng Cơ-tu, một nhóm do đồng chí Nguyễn Chơn (thượng tướng bây giờ), có đồng chí Hiền trợ lý trinh sát thông tin ban quân sự tỉnh. Mỗi nhóm có một vài du kích địa phương giúp dẫn đường... Một ngày trôi qua, đến ngày thứ hai cũng không tìm được, anh em kéo về cơ quan trao đổi bổ sung kế hoạch. Anh Mười lại có tiếp ý kiến: "Phải quyết tìm cho kỳ được đồng chí Trung, không thể chậm trễ, nếu đồng chí bị thương mà không khẩn trương tìm thì dễ bị chết khô hoặc bị thú rừng hãm hại, hãy cố lên! Ngày mai tôi sẽ đi với các đồng chí". Hôm sau lại đi tìm và cuối cùng tìm được đồng chí Trung bị thương nằm bất động, đưa về chăm sóc cứu chữa" (lược trích hồi ký của ông Phan Đấu).

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ giữa thời kỳ nước sôi lửa bỏng mà quan tâm đến số phận của từng con người, đến từng hạt muối của cách mạng, không chỉ quan tâm mà thể hiện rõ trách nhiệm, đến mức tự ghi thành khuyết điểm trong hồ sơ lý lịch của mình để gửi cho tổ chức lưu giữ suốt đời. Lãnh đạo như vậy cán bộ chiến sĩ nào không cảm phục, lãnh đạo như vậy dân nào chẳng tin! (còn tiếp)

Tội ác này có thể quên được không?

Bí thư Huyện ủy Quế Sơn Trần Huấn (nằm ) bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt

Chi trưởng "cảnh sát quốc gia" Điện Bàn đang cắt cổ ông Trần Huấn

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.