Như Thanh Niên đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị bắt tạm giam trong vụ án mới
Ông Chung bị xác định lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái quy định các công ty, cá nhân có mối quan hệ thân thiết với mình được UBND TP.Hà Nội chỉ định đặt hàng thực hiện công tác trồng cây trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016 - 2018, qua đó được hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Đây là vụ án thứ 4 cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước đó, ông Chung đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án: chiếm đoạt tài liệu mật, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và can thiệp đấu thầu tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội.
Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao ông Chung đang chấp hành án nhưng vẫn bị ra lệnh tạm giam?
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nhận định việc cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam với ông Chung khi người này đang chấp hành án là phù hợp với quy định về tố tụng.
Theo đó, sau khi ra quyết định khởi tố một bị can, cơ quan điều tra sẽ phải ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn với bị can này. Biện pháp ngăn chặn có thể là bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú (hay còn gọi là tại ngoại).
XEM NHANH 20H ngày 22.3: Trả tự do 4 nữ tiếp viên hàng không | Ông Nguyễn Đức Chung lại bị khởi tố
Với trường hợp của ông Chung, ông này đang chấp hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, do đó biện pháp ngăn chặn áp dụng sẽ là tạm giam.
Trường hợp ông Chung đang chấp hành án ở trại giam mà bị khởi tố, ra lệnh tạm giam trong vụ án mới như đã nêu, cơ quan điều tra có cần di lý bị can này từ trại giam sang trại tạm giam? Luật sư Quynh cho hay việc này sẽ được cơ quan điều tra cân nhắc, tùy vào tình hình thực tế.
Nếu ông Chung đang thi hành án tại nơi thuận lợi cho công tác điều tra, làm rõ vụ án mới, thì không nhất thiết phải di lý. Ngược lại, nếu nơi thi hành án của ông Chung không thuận lợi cho việc điều tra thì cơ quan điều tra có thể di lý tới nơi tạm giam thuận lợi hơn.
Vẫn theo luật sư Quynh, thời gian tạm giam trong vụ án mới của ông Chung vẫn được tính vào thời gian chấp hành án. Sau này, ở vụ án mới, nếu bản án có hiệu lực xác định ông Chung có tội, mức án sẽ được tổng hợp vào các bản án đã tuyên trước đó.
Được biết, ông Chung không phải trường hợp đầu tiên bị áp dụng biện pháp tạm giam khi đang chấp hành án. Tình huống này từng xảy ra trong các vụ án liên quan đến ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á) và ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Bình luận (0)