So với danh sách nhân sự Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH và các Ủy viên Ủy ban TVQH khóa XIII do Ủy ban TVQH khóa XII đề cử vào chiều 22.7, danh sách chốt lại để QH bầu trong chiều 23.7 có thêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, người được các đoàn ĐBQH giới thiệu thêm để cùng bầu vào vị trí Trưởng ban Dân nguyện với ứng viên Bùi Văn Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.
Ông Đỗ Văn Chiến (ĐBQH tỉnh Tuyên Quang), Trưởng ban Kiểm phiếu, báo cáo kết quả bầu Chủ tịch QH cho biết có 498 (trên tổng số 500 ĐBQH) dự phiên họp, số phiếu phát ra và thu về đều là 498 phiếu, trong đó có 497 phiếu hợp lệ. Trong số 497 phiếu bầu hợp lệ, có 457 phiếu tán thành (91,4%), 40 phiếu không tán thành (8%). Như vậy, với đa số phiếu tán thành, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đắc cử chức Chủ tịch QH khóa XIII.
|
Bốn nhân sự được đề cử bầu Phó chủ tịch QH khóa XIII cũng đắc cử với số phiếu cao, gồm bà Tòng Thị Phóng (479 phiếu đồng ý - đạt 95,8%), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (483 phiếu đồng ý - đạt 96,6%), ông Uông Chu Lưu (492 phiếu đồng ý - đạt 98,4%) và ông Huỳnh Ngọc Sơn (488 phiếu đồng ý - đạt 97,6%).
Cũng theo kết quả kiểm phiếu được công bố, trong số 14 Ủy viên Ủy ban TVQH được đề cử bầu đứng đầu các Ủy ban của QH, Hội đồng Dân tộc, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện, chỉ có 12 vị trúng cử là ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (đạt 91%); ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (đạt 86,8%); ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (80,2%); ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (88%); ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (91,4%); ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh (85,6%); ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng (91,6%); ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường (90,8%); ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH (89,4%); bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (91,6%); bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu (91,8%); ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH (90,4%).
Hai ông Bùi Văn Cường và ông Nguyễn Văn Phúc được đề cử để bầu vào vị trí Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH đều không trúng cử cho vị trí này vì không đạt số phiếu quá bán. Cụ thể, ông Bùi Văn Cường chỉ nhận được 236 phiếu đồng ý (47,2%), ông Nguyễn Văn Phúc chỉ nhận được 217 phiếu đồng ý (43,4%).
Như vậy, với kết quả kiểm phiếu nói trên, Ủy ban TVQH khóa XIII có 17 vị, ít hơn 1 vị so với số Ủy viên Ủy ban TVQH khóa XII.
Kiên quyết phòng chống quan liêu, tham nhũng
Ngay sau khi trúng cử, tân Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban TVQH khóa XIII phát biểu nhậm chức trước toàn thể QH.
Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban TVQH khóa XIII nhận thức "đây là niềm vinh dự to lớn và cũng là trách nhiệm cao cả, nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó" và khẳng định: "Tập thể Ủy ban TVQH khóa XIII và cá nhân tôi sẽ kế thừa những thành quả, kinh nghiệm của QH, Ủy ban TVQH khóa XII cũng như các khóa trước, sẽ nỗ lực phấn đấu, cùng các vị ĐBQH đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, phát huy trí tuệ, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, góp phần xây dựng QH xứng đáng với vị trí là cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN VN".
Chủ tịch QH khóa XIII cũng cam kết: "Các thành viên ủy ban TVQH sẽ luôn rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức lối sống; nâng cao trình độ, năng lực công tác; kiên quyết phòng chống quan liêu, tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, sẽ gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân".
Sau bài phát biểu nhậm chức của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban TVQH khóa XIII đã thảo luận và nhất trí giới thiệu ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, để QH bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới.
Theo nghị trình, chiều 25.7, QH sẽ bầu Chủ tịch nước và công bố kết quả ngay trong ngày.
Tiểu sử Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng Ông Nguyễn Sinh Hùng sinh ngày 18.1.1946. Quê quán xã Kim Liên, H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày vào Đảng: 26.5.1977; ngày chính thức: 26.5.1978 - Trình độ được đào tạo: + Giáo dục phổ thông: 10/10 + Chuyên môn nghiệp vụ: Kinh tế, Tài chính - Kế toán + Học hàm, học vị: Tiến sĩ + Ngoại ngữ: Bulgaria - Tóm tắt quá trình công tác 9.1966-12.1970: Sinh viên ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội 1.1972-12.1977: Cán bộ Ngân hàng Kiến thiết T.Ư, Bộ Tài chính 1.1978-9.1982: Nghiên cứu sinh tại ĐH Kinh tế Các Mác, Bungari 10.1982-10.1986: Phụ trách Phòng Tổng hợp rồi Trưởng phòng Tổng hợp, Phó vụ trưởng, sau là Vụ trưởng Đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính. 10.1986-1.1990: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, Chánh văn phòng Bộ Tài chính; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối Kinh tế Trung ương. 2.1990-9.1992: Cục trưởng Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính. 10.1992-11.1996: Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng được bầu vào BCH Trung ương Đảng. Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tài chính. 11.1996-6.2006: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu QH khóa 10, 11. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng được bầu vào BCH Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Từ 7.2006 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ. Phó bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ; đại biểu QH khóa 12. Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa 13. Nguồn: Văn phòng QH Tóm tắt tiểu sử 4 Phó chủ tịch QH khóa XIII 1. Bà Tòng Thị Phóng, 57 tuổi, quê quán xã Chiềng An (thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng đoàn QH, Phó chủ tịch QH khóa XII, ĐBQH Đắk Lắk. 2. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 57 tuổi, quê quán xã Châu Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre), Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, ĐBQH Bến Tre. 3. Ông Uông Chu Lưu, 56 tuổi, quê quán xã Xuân Trường (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH khóa XII, ĐBQH Thanh Hóa. 4. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, 60 tuổi, quê quán P.Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH khóa XII, trung tướng, ĐBQH Đà Nẵng. |
Nhiều thuận lợi đối với tân Chủ tịch Quốc hội Ông Đinh Xuân Thảo (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, đã chia sẻ quan điểm và những kỳ vọng của ông đối với QH khóa XIII nói chung và cá nhân tân Chủ tịch QH nói riêng.
Theo ông, khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đi lên từ chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ thì sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì? Tôi cho rằng chủ yếu là thuận lợi. Quyền lực nhà nước ở VN là thống nhất, chẳng qua là sự phân công phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cho nên bản thân người làm ở hành pháp cũng hiểu được công việc bên lập pháp và tư pháp. Về vấn đề lập pháp, bản thân một thành viên của Chính phủ như Phó thủ tướng thì cũng là người tham gia thường xuyên vào công tác lập pháp. Hầu hết các dự án luật của nước ta đều trình lên QH là từ Chính phủ; thứ hai, hầu hết các vấn đề kinh tế - xã hội mà QH quyết định đều trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Còn về giám sát, Chính phủ chịu sự giám sát của QH nên thành viên của Chính phủ cũng hiểu những vấn đề được QH giám sát là gì và làm thế nào để thực hiện cho đúng. Bây giờ sang "vai" của người tổ chức giám sát thì tôi cho rằng hoàn toàn thuận lợi, thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Còn khó khăn cơ bản, tôi cho rằng ở Chính phủ là cơ quan chế độ thủ trưởng, thủ trưởng nghe các ý kiến tham mưu và đưa ra quyết định. Nhưng ở QH thì không như vậy được, vì là cơ quan đại diện cho dân nên vai trò Chủ tịch sẽ có những đặc thù nhất định. Khi chủ tọa một cuộc họp QH cũng thế, Chủ tịch là giữ vai trò điều hành nhưng không thể lồng quá nhiều ý kiến cá nhân của mình vào trong cuộc điều hành đó. Chủ tịch QH là người phải giải thích, thuyết phục dựa trên cơ sở pháp lý. Trước nhiều ý kiến khác nhau thì làm sao tranh thủ được sự ủng hộ của đa số. Tôi cho rằng, đó là khó khăn mà người mới giữ vai trò Chủ tịch QH có thể sẽ gặp phải. Thực tế cho thấy, những người đang nắm giữ vai trò lãnh đạo ở các bộ, ngành khi làm ủy viên Ủy ban Thường vụ của QH cũng hay mắc phải khó khăn đó, từ suy nghĩ đến cách hành xử của người ở cương vị làm thủ trưởng sang một chế độ làm việc thực sự là dân chủ, cởi mở, mọi cái quyết định theo đa số... nên sẽ phải có những điều chỉnh nhất định. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những khó khăn có thể sẽ gặp phải trong thời gian đầu, để thích nghi sẽ rất nhanh chóng thôi. Cũng có ý kiến băn khoăn rằng, liệu có sự nể nang nào không khi Chủ tịch QH thực hiện vai trò giám sát Chính phủ? Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì ở QH thì ý kiến của một người cũng chỉ là một lá phiếu, còn rất nhiều các ý kiến khác. Quyết định của QH là trên cơ sở mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Nếu quyết định nào chưa đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng đó thì cũng phải giải thích công khai trước nhân dân, cử tri cả nước rằng cơ quan hành pháp đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì. Theo ông, QH khóa mới cần làm gì để khắc chế được quyền lợi tập trung vào một nhóm, đảm bảo dung hòa về lợi ích, không để lợi ích của một nhóm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng? Khái niệm lợi ích nhóm cũng có xuất hiện trong thời gian gần đây, QH cũng nhận thấy điều này và cho rằng có trách nhiệm của các ban thẩm tra, của đại biểu QH. Ngay như nhiệm kỳ này, cũng có hơn 30 đại biểu QH thuộc các doanh nghiệp nhưng đại biểu thuộc các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế... cũng có nhiều. Do vậy mà không có lĩnh vực nào chiếm đa số cả, về nguyên tắc mọi đại biểu QH phải có trách nhiệm lo cho dân. Các nước trên thế giới có quy định về vận động hành lang, VN chưa có quy định này và cũng có ý kiến đề nghị cần sớm có quy định này để công khai hóa các quyền lợi ích của các nhóm. Các nhóm nhỏ, thậm chí là một cá nhân cũng có thể có những việc làm mang lại lợi ích chung cho cộng đồng chứ không nhất thiết phải là tổ chức của Nhà nước hoặc tổ chức có quy mô đồ sộ mới làm được việc đó. Vì vậy, tôi cho rằng, trong QH khóa XIII, khi nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp cũng cần xem xét để cho phép quy định về vận động hành lang. Nền kinh tế thị trường, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực để phát triển. Do vậy, kinh tế tư nhân cũng cần phải được bình đẳng để phát triển. Điều này cần phải thể hiện được trong pháp luật. Tôi cho rằng, QH khóa XIII sẽ có nhiều nhiệm vụ phải làm xung quanh vấn đề về thể chế, về lập hiến, lập pháp. Chủ tịch QH là tiến sĩ về kinh tế và từng điều hành công tác tài chính của Chính phủ, ông có hy vọng là những vấn đề bất cập của nền kinh tế nước ta hiện nay sẽ được khắc phục? Tôi tin rằng, đây cũng là một thuận lợi của QH trong nhiệm kỳ tới. Phục hồi kinh tế cần có sự tính toán phù hợp. Trước mắt, QH cần tăng cường giám sát để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 là kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Còn việc tăng trưởng thì phải tính toán phù hợp trên cơ sở có dự báo và lập kế hoạch tốt hơn nữa. Việc quyết định chính sách tài khóa thắt chặt, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, cắt giảm các hạng mục đầu tư trong năm 2011... đã thể hiện rất rõ quyết tâm của Chính phủ và QH trong vấn đề này. Tuệ Nguyễn (ghi) |
Bảo Cầm
Bình luận (0)