Ông Obama và ông Erdogan điện đàm về vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

20/07/2016 10:36 GMT+7

Tổng thống Barack Obama đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ đảo chính, đồng thời thảo luận với Tổng thống Tayyip Erdogan về tình hình giáo sĩ Gulen, người bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters ngày 20.7, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 19.7 đã có cuộc điện đàm, thảo luận về nhiều vấn đề xung quanh vụ đảo chính diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ từ đêm 15.7 tới ngày 16.7 vừa qua.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Obama đã đề nghị hỗ trợ trong bối cảnh Ankara đang điều tra những người tham gia vụ đảo chính bất thành vừa qua. Tổng thống Mỹ cũng gây sức ép để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải xử lý các vấn đề sau đảo chính theo nguyên tắc dân chủ được quy định trong hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình liên quan đến giáo sĩ Gulen, người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính. Người phát ngôn Nhà Trắng cho hay chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi tài liệu về giáo sĩ Gulen cho chính phủ Mỹ. 
Ông Earnest nói rằng bất cứ đề nghị dẫn độ nào từ Thổ Nhĩ Kỳ với giáo sĩ Gulen, một khi đã được gửi đi, sẽ được đánh giá theo các nội dung trong thỏa thuận dẫn độ giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh họ vẫn đang trong quá trình phân tích các tài liệu do phía Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến, tuy nhiên không coi đó như một yêu cầu dẫn độ chính thức. Theo Reuters, yêu cầu dẫn độ đối với giáo sĩ Gulen sẽ vấp phải những rào cản pháp lý và chính trị tại Mỹ. 
Giáo sĩ Gulen, 75 tuổi từng là đồng minh của ông Erdogan, hiện sống lưu vong tại vùng núi Poconos ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ). Ông này bị Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội phản quốc. Liên quan đến vụ đảo chính lần này, giáo sĩ Gulen phủ nhận mọi sự liên quan, thậm chí còn tố ngược ông Erdogan dàn dựng vụ đảo chính.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters cho biết tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn rất căng thẳng sau khi chính phủ của ông Erdogan đã bắt giữ hoặc cách chức tới 50.000 cảnh sát, binh lính, thẩm phán và các viên chức nhà nước vì bị cho là liên quan tới cuộc đảo chính bất thành đêm 15.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.