Ông Peter Hồng: Chúng ta đóng 'hụi chết', để con em du học nhưng không về

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
19/08/2022 18:15 GMT+7

"Chúng tôi nói đùa với nhau, 'Đường lên đỉnh Australia' chứ không phải ' Đường lên đỉnh Olympia ' vì các thí sinh đạt giải, du học đều chọn ở nước ngoài làm việc", ông Peter Hồng tâm tư về sự lãng phí nguồn lực trí tuệ, nhân tài.

Tại hội nghị lắng nghe phản ánh những bất cập trong công tác quản lý đối với đời sống xã hội; vướng mắc của doanh nghiệp; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm trong các cơ quan hành chính nhà nước... do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam - Ban công tác phía nam tổ chức hôm nay 19.8, ở TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, trình bày nhiều vấn đề đáng chú ý.

Ông Peter Hồng cho biết, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm qua khoảng 18 tỉ USD, trong đó khoảng 6,1 tỉ USD thu hút về TP.HCM. Thống kê cho thấy, kiều bào có 4.337 công ty đóng tại Việt Nam (riêng tại TP.HCM có 1.324 công ty) với tổng số tiền đầu tư chục nghìn tỉ đồng. Sau dịch Covid-19, có hàng trăm công ty của Việt kiều đóng cửa.

Trong khi đó, "chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì kiều bào không được thụ hưởng, họ không biết bám vào đâu. Hai chữ “nước ngoài” khiến chúng tôi khổ sở, bởi khi nói tới, rất dễ liên đới việc có yếu tố nước ngoài", ông Peter Hồng nói và bức xúc kể về quá trình khó khăn tìm văn phòng cho hiệp hội.

Theo ông Peter Hồng, lượng kiều hối về Việt Nam còn chưa đáng kể bằng việc "chảy máu chất xám". Ông nói: "Gần 500.000 trí thức, con em của mình, thế hệ thứ hai đang được bài bản đào tạo nhưng muốn về Việt Nam để làm, cống hiến thì bằng cách nào?".

"Bà xã tôi là trưởng khoa 1 bệnh viện lớn ở nước ngoài, lương 187.000 USD/năm (tương đương khoảng 4,37 tỉ đồng). Về hưu, muốn về Việt Nam làm việc, lương 14 triệu đồng/tháng thì sao mà về được?", ông Peter Hồng dẫn chứng.

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, tâm tư tại hội nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

phạm thu ngân

Theo ông Peter Hồng, câu chuyện bức xúc về nguồn lực trí tuệ, sử dụng nhân tài còn nhiều cái để lo ngại. "Chúng tôi nói đùa với nhau, 'Đường lên đỉnh Australia' chứ không phải 'Đường lên đỉnh Olympia' (chương trình truyền hình, cuộc thi kiến thức dành cho học sinh THPT do Bộ GD-ĐT và Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất - PV) bởi vì các thí sinh đạt giải, đi du học đều chọn ở nước ngoài làm việc".

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đóng 1,4 tỉ USD/năm cho 100.000 sinh viên đi học nhưng... không xài. Coi như chúng ta đóng hụi chết. Chúng ta không kêu gọi được các cháu về".

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài cũng đề cập Đề án 165 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

"Tổng kết lại, đào tạo 3.000 tiến sĩ thì 65% ở nước ngoài, còn 27% đang làm việc nhà nước, còn lại là bỏ việc. Chúng ta bỏ tiền tỉ, mồ hôi xương máu của đất nước cho các cháu du học nhưng bây giờ thành ra như vậy. Đây là sự đau xót và không biết thế hệ tiếp theo sẽ ra sao", ông Peter Hồng trăn trở và qua đó mong Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam có ý kiến, tháo gỡ những bất cập hiện hữu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.