Ông Putin đặt cược vào mùa đông sắp tới trong ván bài Ukraine

25/08/2022 16:00 GMT+7

Mùa đông lạnh giá đã giúp Moscow đánh bại Napoleon và Hitler. Ông Putin đang đánh cược rằng những thách thức trong mùa đông sắp tới sẽ thuyết phục châu Âu mạnh tay đưa Ukraine đi đến một thỏa thuận ngừng bắn theo điều kiện của Nga.

Theo hai nguồn tin từ Moscow, đó là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình trong mắt Tổng thống Nga Vladimir Putin, giữa bối cảnh Kyiv nói sẽ không đàm phán cho đến khi lực lượng Nga hoàn toàn rút khỏi Ukraine.

"Đó sẽ là một mùa đông khó khăn đối với người dân châu Âu. Chúng ta có thể chứng kiến các cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn. Một số nhà lãnh đạo châu Âu có thể suy nghĩ lại về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cho rằng đã đến lúc phải đạt được thỏa thuận", một nguồn tin thân cận với giới chức Nga nói với Reuters.

"Chúng tôi có thời gian, chúng tôi có thể chờ đợi", nguồn tin trên cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói tấn công chậm để tránh thiệt hại dân thường

Tính toán của Nga và Ukraine

Một nguồn tin thứ hai thân cận với Điện Kremlin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Moscow nghĩ họ có thể đã nhận thấy sự đoàn kết của châu Âu đang lung lay và hy vọng sự lung lay này sẽ càng lúc càng mạnh hơn vì những thách thức sắp tới. Các khó khăn này xoay quanh cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang đối mặt: giá cả tăng vọt và nguy cơ thiếu hụt trong mùa đông.

"Sẽ thực sự khó khăn nếu cuộc chiến kéo dài sang mùa thu và mùa đông. Vì vậy, một số người đang hy vọng là (người Ukraine) sẽ đề nghị hòa bình", nguồn tin cho biết.

Điện Kremlin vốn phủ nhận cáo buộc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp hôm 24.8

reuters

Trong khi đó, Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ Kyiv mạnh mẽ nhất nói rằng họ không có kế hoạch dừng lại, và các quan chức Mỹ cho biết đến nay họ không thấy dấu hiệu chứng tỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine đang giảm sút.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong một dòng tweet gửi tới người dân Ukraine vào ngày quốc khánh của họ, cho biết: "EU đã sát cánh cùng các bạn trong cuộc chiến này ngay từ đầu. Và chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy dù bao lâu đi nữa".

Được hỗ trợ bởi hàng tỉ USD viện trợ quân sự, chương trình huấn luyện và thông tin tình báo từ Mỹ và các nước phương Tây khác, và với hàng loạt cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu quan trọng của Nga, Kyiv gia tăng nhuệ khí và cho rằng họ có cơ hội thay đổi cục diện trên chiến trường.

Lực lượng Ukraine đã đẩy lùi nỗ lực của Nga trong việc chiếm thủ đô Kyiv và thành phố lớn thứ hai Kharkiv; đã thường xuyên phá hủy và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Nga, đánh chìm tàu ​​Moskva, kỳ hạm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, cũng như gây thiệt hại lớn cho một căn cứ không quân của Nga ở Crimea.

Kyiv từ lâu cũng đã nói về một cuộc phản công lớn để chiếm lại miền nam, mặc dù Nga đang nỗ lực xây dựng lực lượng tại đây.

"Để các cuộc đàm phán với Nga trở nên khả thi, cần phải thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho lực lượng vũ trang Ukraine", Mykhailo Podolyak, một cố vấn của tổng thống Ukraine, nói với Reuters. Ông nói: "Điều cần thiết là quân đội Nga phải chịu những thất bại chiến thuật đáng kể".

Xung đột Nga - Ukraine qua mốc 6 tháng: Những hình ảnh đáng nhớ

Cũng theo ông Podolyak, phương Tây đang cung cấp cho Kyiv đủ vũ khí để "không gục ngã" nhưng không đủ để giành chiến thắng, đồng thời nói cần phải có sự hỗ trợ lớn hơn nữa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23.8 tuyên bố Kyiv sẽ không đồng ý với bất kỳ đề xuất nào về việc ngừng bắn để "xoa dịu" Moscow.

Bài kiểm tra ý chí

Liên minh châu Âu đã ngừng nhập khẩu than từ Nga, cũng như cấm vận một phần dầu thô của nước này để trừng phạt Moscow vì "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà nước này phát động cách đây đúng 6 tháng vào ngày 24.2.

Nga sau đó cắt giảm mạnh lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu. Song theo Điện Kremlin, xuất khẩu khí đốt sụt giảm là do các vấn đề kỹ thuật, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc một số nước từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Căng thẳng địa chính trị đã khiến giá năng lượng tăng cao, gây thêm khó khăn cho châu Âu, nhưng cùng lúc giúp củng cố ngân khố của Moscow.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, một trong những nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, đến Kyiv lần thứ ba hôm 24.8

reuters

Các chính phủ châu Âu đã cố gắng tăng cường khả năng chống chịu với áp lực năng lượng trong mùa đông bằng cách tìm kiếm các nguồn cung thay thế và thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nhưng không nhiều chuyên gia năng lượng tin rằng những việc này sẽ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của họ.

"Điện Kremlin tất nhiên đang tính đến khả năng chúng tôi sẽ không còn quan tâm (đến Ukraine) vì bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Anh tìm kiếm thủ tướng mới, Đức lo lắng về khí đốt, và mực nước sông Rhine chỉ còn 15cm", Ben Hodges, cựu tư lệnh lực lượng lục quân Mỹ ở châu Âu, nói với Reuters.

"Chiến tranh là một bài kiểm tra về hậu cần, cũng như là bài kiểm tra về ý chí. Bài kiểm tra đó sẽ là: Phương Tây chúng ta có ý chí vượt trội so với Điện Kremlin hay không? Tôi nghĩ đây sẽ là thách thức", ông nói.

Nguồn tin đầu tiên thân cận với giới chức Nga cho biết, trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào trong tương lai, Moscow đều muốn giữ lại những phần lãnh thổ đã kiểm soát tại Ukraine, đảm bảo an toàn cho toàn bộ khu vực Donbass và Kyiv cam kết trung lập về quân sự.

Các quốc gia phương Tây đã từ chối đưa quân can dự vào xung đột và hạn chế cung cấp một số khí tài quân sự vì họ muốn tránh một cuộc chiến có quy mô lớn hơn với Nga, quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Neil Melvin, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu RUSI ở London, cho biết hoạt động chiến trường của Ukraine từ nay đến mùa đông có thể quyết định hướng đi của cuộc chiến.

"Ukraine cần thuyết phục các nước phương Tây là họ có thể giành chiến thắng (trên chiến trường) và tạo được đà. Nếu họ có thể cho thấy, trong giai đoạn này, họ có thể đẩy lùi Nga và duy trì được đà đó, đó sẽ là một chiến thắng", ông nói.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga tròn 6 tháng, Tổng thống Zelensky nói Ukraine "tái sinh"

Song cuộc chiến càng kéo dài thì nguy cơ chia rẽ ở phương Tây vì Ukraine càng lớn khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao.

Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, dự đoán rằng phương Tây "vào một thời điểm nào đó" có thể phải "đẩy Ukraine đi đến một số thỏa hiệp khá khó chịu" trừ khi Kyiv đạt được một số bước đột phá.

Và ông cảnh báo một nước Nga được trang bị vũ khí hạt nhân có thể khiến xung đột leo thang nếu nước này phải đối mặt với thất bại nhục nhã.

Nga đã nhiều lần bác bỏ quan điểm cho rằng họ cần sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tháng trước, ông Putin nói rằng Moscow hầu như còn chưa bắt đầu ở Ukraine và thách thức phương Tây đánh bại nước này trên chiến trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.