Ông Tập Cận Bình: 'Quyền bá chủ không nằm trong gen người Trung Quốc'

29/06/2014 19:05 GMT+7

(TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 28.6 lên tiếng công kích khái niệm quyền bá chủ toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh 'quyền bá chủ hoặc chủ nghĩa quân phiệt không nằm trong gen người Trung Quốc', trong bối cảnh các nước láng giềng tố cáo Bắc Kinh có những hành động hung hăng nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý.

(TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 28.6 lên tiếng công kích khái niệm quyền bá chủ toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh “quyền bá chủ hoặc chủ nghĩa quân phiệt không nằm trong gen người Trung Quốc”, trong bối cảnh các nước láng giềng tố cáo Bắc Kinh có những hành động hung hăng nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý.

Những tuyên bố này được xem là sự chỉ trích của Trung Quốc nhằm vào chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông Tập đưa ra những phát ngôn trên trong phát biểu trước các lãnh đạo Ấn Độ và Myanmar tại thủ đô Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm thỏa thuận cam kết cùng tồn tại hòa bình giữa ba nước ngày 28.6, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 29.6.

Ông Tập tuyên bố không có bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nào sẽ được tha thứ và không quốc gia nào được phép giữ quyền bá chủ trong các vấn đề toàn cầu.

“Bất kỳ nỗ lực nhằm giữ quyền bá chủ trong các vấn đề toàn cầu sẽ bất thành. Không quốc gia nào có thể hi sinh nền an ninh của các quốc gia khác để đạt được nền an ninh tuyệt đối cho riêng họ”, ông Tập nói.

Tuyên bố của ông Tập được cho là nhằm công kích chính sách ngoại giao của Mỹ, theo South China Morning Post.

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ dù cho Trung Quốc có hùng mạnh đến đâu, đồng thời nhấn mạnh “quyền bá chủ hoặc chủ nghĩa quân phiệt không nằm trong gen người Trung Quốc”.

Ông này còn cho biết Trung Quốc “phản đối việc xâm phạm các quyền lợi hợp pháp của các quốc gia khác cũng như việc phá hoại hòa bình và ổn định bằng cái cớ thực thi luật pháp quốc tế”.

Nhưng ông Tập không hề đề cập đến tình hình căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Các nhà quan sát nhận định những phát biểu của ông Tập cho thấy Bắc Kinh không muốn bị quy trách nhiệm cho những căng thẳng hiện nay, theo tờ South China Morning Post.

“Thông điệp của ông Tập là Trung Quốc không phải là nguyên nhân gây rối và có một lực lượng bên ngoài nào đó xâm phạm các nguyên tắc quan hệ quốc tế gây hỗn loạn trong khu vực, chứ không phải Trung Quốc”, ông Su Hao, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận định.

Tuy nhiên, tình hình biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc hồi đầu tháng 5.2014 hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm chìm tàu Việt Nam tại khu vực đặt giàn khoan.

Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ bay áp sát máy bay chiến đấu Nhật Bản và tàu Trung Quốc liên tục lai vãng ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Mới đây, Trung Quốc còn phát hành bản đồ dọc phi lý bị nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Mỹ phản đối, lên án gay gắt, bởi vì nó bao gồm “đường 10 đoạn” (trước đây là đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò) nuốt trọn gần hết biển Đông và cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ được xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Phúc Duy

>> Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc cần tăng cường phòng thủ biên giới biển và đất liền
>> Cựu Tư lệnh Mỹ: 'Không thể ngồi im nhìn Trung Quốc bành trướng
>> Báo Nhật: Có Mỹ hỗ trợ, Nhật sẽ đánh bại Trung Quốc nếu xung đột nổ ra
>> Nếu chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản bùng nổ, Mỹ sẽ làm gì?
>> Tổng thống Obama: Mỹ có thể động binh nếu biển Đông bất ổn
>> Mỹ lập khối đồng minh mới đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông
>> Vì sao Trung Quốc lo lắng khi Nhật sát cánh cùng Việt Nam, Philippines tại biển Đông?
>> Báo Hồng Kông: Nhật có thể cùng Việt Nam, Philippines đối phó Trung Quốc
>> Báo Nhật: Việt Nam và Philippines sẽ bắt tay đối phó với Trung Quốc trên biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.