Trong thông cáo được đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị T.Ư 6 vào hôm qua 27.10, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định Chủ tịch Tập Cận Bình là “lãnh đạo hạt nhân” của đảng. Cụ thể, thông cáo kêu gọi toàn thể các đảng viên hãy đồng lòng đoàn kết “xung quanh Ban Chấp hành T.Ư với hạt nhân là đồng chí Tập Cận Bình”.
Tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích nhận xét động thái này sẽ cho phép ông Tập có tiếng nói quyết định và quyền phủ quyết đối với mọi vấn đề của đảng. “Lãnh đạo hạt nhân” là cụm từ được cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình “khai sinh” ra như là sự mô tả về quyền hạn tuyệt đối của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, cũng như bản thân ông và người lãnh đạo thuộc lớp kế cận là ông Giang Trạch Dân. Người tiền nhiệm của ông Tập trên cương vị tổng bí thư và chủ tịch nước là ông Hồ Cẩm Đào trước đây chỉ được gọi là “tổng bí thư” chứ chưa bao giờ được gọi là “lãnh đạo hạt nhân”.
Mặc dù vậy, thông cáo cũng khẳng định cơ chế lãnh đạo tập thể “phải luôn được tuân thủ và không được vi phạm bởi bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào trong bất kỳ tình huống hoặc lý do nào”.
Hãng Reuters dẫn lời nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh Trương Lập Phàm nhận định việc ông Tập được xác định là “lãnh đạo hạt nhân” cho phép ông có tiếng nói lớn trong việc bố trí nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra vào nửa cuối năm tới. Tuy nhiên, quyền hạn lớn hơn cũng đi kèm với trách nhiệm lớn hơn trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc hiện đối mặt nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội. “Nếu kinh tế tiếp tục đi xuống và rạn nứt trong xã hội trở nên nghiêm trọng hơn, trách nhiệm của lãnh đạo hạt nhân sẽ lớn hơn”, ông Trương nói.
Tại hội nghị này, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã thông qua 2 văn kiện về kỷ luật, bao gồm các quy chuẩn về đời sống chính trị nội bộ đảng trong tình hình mới và điều lệ về giám sát nội bộ đảng.
Bình luận (0)