Ngày 16.6, Cơ quan ANĐT - Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) lần 4, đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM; sau đây viết tắt là Công ty Tân Thuận) cùng các đồng phạm về cùng tội "vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Các đồng phạm với bị can Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố lần này gồm: Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Tân Thuận); Trần Tấn Hải (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tân Thuận); Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên kế toán trưởng), Nguyễn Hoàng Việt (nguyên kiểm soát viên) Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp; cùng Công ty Tân Thuận); Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy); Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy); Phan Thanh Tân (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy).
Khu dự án ở Phước Kiển |
độc lập |
Đây vụ án thứ 2 mà bị can Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố. Trong vụ án này, bị can Tất Thành Cang và đồng phạm bị đề nghị truy tố do có sai phạm liên quan đến 2 dự án KDC ở Phước Kiển (H.Nhà Bè) và dự án KDC Ven Sông (Q.7).
Thất thoát hơn 283 tỉ đồng, chưa khắc phục thiệt hại
Theo KLĐT bổ sung, các bị can có sai phạm trong việc ký các tờ trình, văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển; chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp và chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông không đúng quy định gây thất thoát nguồn vốn của Đảng bộ TP.
Quá trình chuyển nhượng 2 dự án KDC Ven Sông và Phước Kiển với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, các bị can gây thất thoát 283 tỉ đồng.
Trước đó, Viện KSND (VKS) đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này vào tháng 10.2021, tháng 12.2021 và mới đây nhất là vào tháng 4.2022.
Trong lần trả hồ sơ vào tháng 4.2022, VKS đã yêu cầu Cơ quan ANĐT khẩn trương định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông vào tháng 11.2017, thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 12.2019. Từ đó xác định chính xác tài sản của nhà nước bị thất thoát và biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát cho nhà nước.
Tại KLĐT bổ sung lần này, cơ quan ANĐT xác định thiệt hại do sai phạm tại dự án KDC Ven Sông là hơn 283 tỉ đồng.
Cụ thể, tại thời điểm khởi tố vụ án, khu IV-KDC Ven Sông đã được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 11.967,4 m2 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Phần diện tích này được chuyển nhượng với giá hơn 239 tỉ đồng.
Căn cứ kết quả định giá tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông vào tháng 11.2017 là hơn 369 tỉ đồng thì hành vi sai phạm trên gây thất thoát hơn 130 tỉ đồng. Đến tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 12.2019) là hơn 522 tỉ đồng, thất thoát số tiền thực tế là hơn 283 tỉ đồng. Hiện nay chưa khắc phục được thiệt hại này.
Chuyển nhượng giá "bèo" ra sao?
Theo KLĐT bổ sung, Công ty Tân Thuận là công ty có vốn nhà nước được UBND H.Nhà Bè giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển và được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tháng 8.2016, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển.
Lúc này, bị can Trần Công Thiện chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32 ha đất tại dự án trên có giá bình quân là 1,05 triệu đồng/m2.
Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận họp và căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá để xây dựng đơn giá chuyển nhượng là 1,25 triệu đồng/m2.
Tháng 6.2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2 và nhận 374 tỉ đồng, tiền thuế VAT 23 tỉ đồng.
Sau đó, hợp đồng này bị hủy bỏ; Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai 374 tỉ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỉ đồng và tiền lãi suất là 21 tỉ đồng; gây thiệt hại cho nhà nước 215,5 tỉ đồng.
Tương tự, đối với 32.967m2 đất thuộc khu IV dự án KDC Ven Sông tại P.Tân Phong, Q.7, Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín, xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m².
Đến tháng 11.2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m², gây thiệt hại cho nhà nước hơn 283 tỉ đồng.
Trần Công Thiện khai gì?
Tại CQĐT, bị can Trần Công Thiện khai nhận mình là người ký kết các hợp đồng thuê các công ty thẩm định giá, tổ chức, chủ trì 4 cuộc họp hội đồng xây dựng giá bất động sản để xây dựng giá chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp và trực tiếp ký các biên bản làm việc, tham dự các cuộc họp hội đồng thành viên, ký các văn bản và các hợp đồng với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai thống nhất giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp; hoán đổi 10% vốn góp và lập thủ tục chuyển nhượng dự án khu cao ốc căn hộ thương mại ven sông tại khu IV-KDC Ven Sông; chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển. Tuy nhiên, bị can Thiện không thừa nhận việc hội đồng xây dựng giá sử dụng sai mục đích các chứng thư thẩm định giá là vi phạm quy định.
Bình luận (0)