(TN Xuân) Những tấm mặt nạ tuồng Việt và sắc màu vàng mã đã trở thành cảm hứng sáng tạo cho Jean-Luc Mello, nghệ sĩ từng vào vai một người ngoại quốc lạc lõng trước nền văn hóa mới lạ trong bộ phim do chính vợ ông đạo diễn...
Nghệ sĩ Jean-Luc Mello trầm tư giữa các mặt nạ tuồng cổ ở Không gian hội ngộ Cotic - Ảnh: H.X.H
|
Vợ chồng đạo diễn Síu Phạm “đồng hành” trong phim ảnh lẫn hội họa
|
Du khách Tây thích thú với mặt nạ
|
Đứng lẫn vào những mặt nạ tuồng cổ do chính ông sắp đặt, Jean-Luc Mello trở nên đăm chiêu giữa Không gian hội ngộ Cotic (Hội An). “Tôi thích nhất những mặt nạ có dáng vẻ chất phác, đường nét đơn giản mà lạ, không tạo cảm giác sợ hãi cho người đối diện”, Jean-Luc nói sau khi dạo một vòng quanh 17 khung nhựa trắng hình chữ nhật treo so le.
Mặt nạ treo cao
Có vẻ Jean-Luc đã bớt lạc lõng và chếnh choáng ở vùng đất mới, như cảm giác của nhân vật mà ông nhập vai trong Đó... hay đây?, bộ phim từng tranh giải Những xu hướng mới tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2011. Jean-Luc không quá xa lạ với công chúng Việt Nam khi trực tiếp thủ vai người chồng và viết kịch bản bộ phim do chính vợ ông, Síu Phạm, làm đạo diễn.
Chị Khánh Ngọc, người phụ trách Không gian hội ngộ Cotic, bảo rằng hiếm thấy nghệ sĩ nước ngoài nào có sở thích “lạ” như Jean-Luc. Để tìm đủ số mặt nạ tuồng ưng ý, ông phải mất đến 3 tháng với sự giúp sức của những người bạn ở Không gian hội ngộ Cotic và nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Mỗi khung lồng 2 tấm mặt nạ, đủ các kiểu ước lệ tuồng cổ: có mặt trắng của nhân vật trầm tĩnh, mặt đỏ trí dũng, mặt rằn nóng nảy, mặt tròng xéo đen tướng phản... Chọn những khuôn hình hao hao nhau,
Jean-Luc sử dụng kỹ thuật digital chỉnh sửa kích cỡ để có được sản phẩm sắp đặt độc đáo. Nhưng phô diễn sao cho ấn tượng nhất? Ban đầu ông định đúc các viên táp lô, khoét lỗ cắm đoạn cây ngắn để mắc mặt nạ lên đấy, cuối cùng lại... treo thõng trên cao.
Trên tầng 2 Không gian hội ngộ Cotic, thấy treo một số bức tranh của Jean-Luc cũng lấy cảm hứng từ mặt nạ với kỹ thuật mực trên giấy. Phong cách này từng được ông thể hiện khi triển lãm Đồng hành - Ghế và gió tại TP.HCM hồi tháng 4.2014, cùng với tranh acrylic trên bố của Síu Phạm.
“Phải lòng” vàng mã
Trong lần trở lại Việt Nam cách đây khoảng 15 năm, nữ đạo diễn Síu Phạm ghé chợ Đông Ba (Huế) thấy các sạp hàng bán giấy vàng mã loại lớn đủ màu sắc đỏ, tím... rất lạ bèn mua về Thụy Sĩ để chồng vẽ tranh. Không ngờ từ đó, Jean-Luc dần mê mẩn thứ chất liệu và màu sắc hơi “quái” ấy.
Mở cánh cửa vào phòng tranh dựng biệt lập bằng dừa nước ở vùng quê tĩnh lặng Cẩm Châu (Hội An), Jean-Luc bảo sẽ “thị phạm” về cách bóc tách những màu sắc đầy ám ảnh. Đúng là lối vẽ của Jean-Luc rất lạ. Ông lót tấm giấy vàng mã khổ lớn bên dưới, kế tiếp là giấy xuyến chỉ rồi phết lên đấy nào sữa tươi, kể cả nước lọc, vẹc ni, cồn... Muốn “mượn” màu gì từ vàng mã, ông trải loại giấy đó bên dưới. “Anh ấy dùng tốn sữa ghê lắm”, đạo diễn Síu Phạm đứng bên cạnh nói vui.
Jean-Luc tự dưng “để ý” đến mặt nạ tuồng vào dịp trung thu hơn 2 năm trước, khi thấy những mặt nạ ông địa bồi bằng giấy dang dở phơi bên vệ đường. Ba lần ghé thăm Angkor Wat (Campuchia) đã đánh thức trong ông những cảm hứng lạ từ khuôn mặt tượng Phật. Để rồi khi đối diện mặt nạ tuồng cổ, mặt nạ ông địa, vàng mã..., người nghệ sĩ 70 tuổi dần rẽ vào một lối đi mới. Ông thổ lộ, những ý tưởng đó thực ra đến rất nhanh, không tính toán trước được...
Vợ chồng đạo diễn Síu Phạm khá thông thuộc phố cổ Hội An dù về Việt Nam định cư không lâu. Chúng tôi nhận ra điều đó khi cùng họ men theo các con hẻm chật hẹp hoặc “đi tắt” qua các ngôi nhà cổ đấu lưng nhau. Sau Đó... hay đây?, Jean-Luc không hiện diện trong bộ phim thứ 2 quay tại Việt Nam Căn phòng của mẹ của Síu Phạm vừa nhận giải Cái nhìn độc đáo nhất tại Liên hoan phim Queen World ở New York, Mỹ hồi tháng 3.2014. Nhưng đầu xuân Ất Mùi này, Jean-Luc sẽ trở lại khi cùng vợ ngược lên Tây Bắc vào vai chính trong dự án thứ 3 Con đường trên núi. “Phim đầu tiên anh ấy đã xuống biển, lần này cho anh ấy lên núi”, đạo diễn Síu Phạm dí dỏm.
Khi đã biết có bàn tay Jean-Luc Mello sắp đặt những tấm mặt nạ treo cao ở không gian dành riêng cho sân khấu truyền thống Việt, khách bước qua bậc thềm ngôi nhà cổ 60 Nguyễn Thái Học ắt hẳn sẽ nghe vọng lại từ thinh không tiếng trống chầu giục giã.
Dạy khách vẽ mặt nạ tuồng
Cũng trên phố Nguyễn Thái Học (Hội An) cách Không gian hội ngộ Cotic chỉ 14 ngôi nhà, họa sĩ Trương Bách Tường có chung niềm đam mê như Jean-Luc Mello khi theo đuổi ý tưởng mới lạ: dạy vẽ mặt nạ tuồng cổ cho du khách Tây. Phòng tranh của họa sĩ Tường treo sẵn 20 mặt nạ tuồng cổ, khách sẽ được hướng dẫn vẽ trực tiếp lên những mẫu mặt nạ bồi sẵn bằng giấy. “Tác phẩm” hoàn chỉnh trở thành kỷ vật thú vị sau chuyến tham quan.
|
Bình luận (0)