Vào kho để... tham quan
Sau tấm cửa nặng trịch dẫn vào kho lưu trữ hiện vật tại địa chỉ 107 B Phan Bội Châu, Tam Kỳ (Quảng Nam), một cơ ngơi tạm bợ lại đang lưu giữ số lượng hiện vật phong phú. Hơn 5.000 hiện vật gốm Chu Đậu - Hải Dương khai quật giai đoạn 1999-2003 tại khu vực tàu đắm ngoài vùng biển Cù lao Chàm, Hội An xếp ngay ngắn trong tủ. Khoảng 320 hiện vật về dân tộc học, 60 hiện vật về ngành nghề truyền thống Việt và sản phẩm đặc trưng như chuông Phước Kiều, trống Lâm Yên nổi tiếng xứ Quảng đặt gần như "chen" nhau trong một không gian hẹp. Hàng trăm hiện vật Chămpa khai quật từ các đợt khảo cổ học tại tháp Lạng, Chiên Đàn, hiện vật văn hóa Sa Huỳnh. Gần 150 hiện vật lịch sử kháng chiến và 15.000 hiện vật khác như mảnh sắt, đồng, gốm, mã não... cũng sắp đặt tương tự.
Nhìn những mặt nạ, tượng Cơtu, cây nêu, mộ chum Sa Huỳnh, mặt trống đồng Phước Trà - Hiệp Đức lần đầu tiên phát hiện, hai chiếc bình gốm Ca Noong cuối cùng vừa mang về từ xã biên giới Axan - Tây Giang... bày la liệt ở kho chứa, cho thấy nơi đây đang sở hữu một lượng cổ vật, hiện vật quý giá. Tuy nhiên, không biết bao giờ công chúng được tiếp cận chúng, bởi công trình nhà trưng bày rất quy mô vẫn đang... nằm trên giấy. Địa thế khá đẹp đối diện Bưu điện tỉnh, diện tích lớn, nhưng Bảo tàng tỉnh hiện mới xây xong dãy nhà kho phía sau. Kho lưu trữ này còn "tận dụng" để làm văn phòng cho cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quảng Nam.
"Hẩm hiu" cổ vật
Sau gần 10 năm, công trình Bảo tàng Quảng Nam chỉ có kho bảo quản và khoảng đất trống trải - ảnh: H.X.H |
Dư luận ngày càng chú ý nhiều đến công trình Bảo tàng Quảng Nam, không phải vì đang "xếp trong kho" hàng chục nghìn cổ vật, hiện vật mà là sự... chậm chạp trong đầu tư, xây dựng nhà trưng bày - không gian cần thiết để đánh thức giá trị cổ vật. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT kiêm Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam, cũng tỏ ra sốt ruột không kém khi tiết lộ: "Tỉnh vừa chỉ đạo năm sau phải chấm dứt các công trình dang dở khác của Sở VH-TT, dành để xây dựng bảo tàng. Nhưng nguồn kinh phí lấy ở đâu ra thì vẫn chưa thấy gì cả...".
Chuyện càng thêm "lạ" khi các bảo tàng tuyến huyện ở Quảng Nam lại đang được đầu tư lớn và hoạt động hiệu quả. Tại Duy Xuyên, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa có diện tích 2.700m2 do Viện Tu bổ di tích Hà Nội thiết kế với nguồn kinh phí hơn 6,5 tỉ đồng đã đưa vào sử dụng. Tại đô thị cổ Hội An, hệ thống bảo tàng chuyên đề dày đặc như văn hóa Sa Huỳnh, trưng bày lịch sử cách mạng Hội An, gốm sứ mậu dịch, lịch sử văn hóa Hội An, văn hóa dân gian Hội An đang hút du khách; chưa kể Bảo tàng Tổng hợp được đầu tư hàng tỉ đồng đã khởi công từ tháng 10.2004.
Trong tình cảnh đó, bộ sưu tập cá nhân về cổ vật Chăm bất ngờ mang "gửi" tại Bảo tàng tỉnh của ông Hoàng Y - mà Thanh Niên từng phản ánh như một sự kiện lạ ở Quảng Nam - cũng chịu chung số phận: nằm xếp yên lặng bên dưới kho bảo quản. Và như vậy, chức năng sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hoàn chỉnh về đặc trưng văn hóa địa phương và "trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng" của một bảo tàng tuyến tỉnh, thành phố như hối thúc từ phía Chính phủ của Bảo tàng Quảng Nam cũng trễ nải theo. Xin nhắc lại, "Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã xác định Quảng Nam cùng với 34 tỉnh, thành phố thuộc diện xây dựng mới dựa vào nguồn vốn đầu tư phát triển.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)