'Ông Tây' xây bảo tàng cho người Cơ Tu

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
01/02/2018 06:44 GMT+7

Hơn 2.000 m2 đất nằm ngay vị trí đắc địa của huyện lỵ Tây Giang (Quảng Nam) đã được chính quyền địa phương chuẩn bị để nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn xây một bảo tàng văn hóa dành riêng cho người Cơ Tu.

“Trao tặng lại”
Những ngày này, dù rất bận rộn với việc sáng tác nhưng lúc nào Réhahn cũng kè kè một tập giấy trắng, hí hoáy phác thảo mô hình bảo tàng mà anh sẽ dốc tiền xây dựng cho đồng bào Cơ Tu tại VN, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 4.2018. “Đó sẽ là một nhà gươl kiên cố, hiện đại nhưng cũng gần với người Cơ Tu”, anh nhìn tôi nói như để giải thích về hình ảnh trên tấm giấy: “Nhiều lần lang thang qua các bản làng, tôi biết nhà gươl rất quan trọng với người vùng cao. Bảo tàng tôi xây dựng sẽ mang dáng dấp như thế”.
Réhahn là lữ khách xem Hội An (Quảng Nam) như quê hương thứ 2 khi quyết định đặt Bảo tàng Di sản vô giá, trưng bày những tác phẩm mà anh chụp về người dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền VN. Trong năm 2017, anh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa của người Cơ Tu ngay tại khu phố cổ. Réhahn bảo mình đã tự điều chỉnh bản ngã để nhận ra văn hóa là điều ưu tiên và việc kinh doanh ảnh nghệ thuật đã giúp anh góp phần vào việc bảo tồn. Bởi vậy, từ lâu anh đã tự mình thực hiện dự án “Trao tặng lại” với hoạt động hỗ trợ những nhân vật mà anh từng gặp, giúp đỡ cho nhiều người mà anh từng tiếp xúc. Và bảo tàng văn hóa người Cơ Tu là một thiết chế mà anh muốn “trao tặng lại” cho Quảng Nam.
Ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, kể rằng hồi tháng 3.2017 nghe tin ở Hội An có một bảo tàng về các dân tộc thiểu số, ông từ vùng cao mang xuống chút quà biếu bảo tàng. “Đó là một bộ trang phục truyền thống làm từ vỏ cây. Lúc đó, tôi cũng chưa có ý định sẽ nói với Réhahn về việc xây dựng bảo tàng, nhưng dần dà chúng tôi thân thiết với nhau. Có lần, nhiếp ảnh gia đã mời tôi ra khai mạc triển lãm ảnh của anh tại Bảo tàng Dân tộc học. Sau này, khi Réhahn lên thăm lại Tây Giang, hiểu được ý định của tôi và quyết định đầu tư xây dựng bảo tàng”, ông Liếc nói.

Người tham quan sẽ được nhìn ngắm các nhạc cụ, đeo tai nghe để cảm nhận âm thanh từ nhạc cụ. Bảo tàng sẽ tăng tính tương tác tuyệt đối với mùi khói bếp, hương thơm của núi rừng

Vị Bí thư Huyện ủy chia sẻ, người Cơ Tu tại vùng cao vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đậm đà của mình. Nhưng rất tiếc không có một bảo tàng để lưu giữ, khiến nhiều hiện vật cũng như vốn liếng văn hóa phi vật thể có nguy cơ mất đi. “Tôi luôn đau đáu chuyện này. Về phía lãnh đạo huyện, tôi mong muốn có một bảo tàng từ lâu rồi. Bây giờ có một người ngoại quốc đam mê và tâm huyết với văn hóa Cơ Tu, rồi giúp xây dựng bảo tàng là điều rất đáng mừng”, ông Liếc phấn khởi.
Bảo tàng tương tác các giác quan
Nhận lời đề nghị xây dựng bảo tàng từ Bí thư Liếc vào tháng 3.2017, nhưng mãi đến tháng 10 cùng năm, nhiếp ảnh gia Réhahn mới chính thức khởi động dự án. Bởi anh muốn tích lũy kinh nghiệm và tìm kiếm phương thức hoạt động tốt nhất cho bảo tàng người Cơ Tu.
Với dự định xây nhà trưng bày chính theo dạng nhà gươl cùng một số hạng mục nhà phụ bao bọc như ngôi làng của người Cơ Tu, Réhahn cho biết kinh phí sẽ khá lớn nhưng anh “vẫn theo đến cùng cho đến ngày hoàn thành và bàn giao”. Ở khu bảo tàng, Réhahn thiết kế thêm khu vực để người dân bản địa có thể mang sản vật hoặc đồ lưu niệm thủ công đến bán cho du khách.
“Bảo tàng không phải là một tấm kính để dán các miếng sticker lên đó. Mà ở đấy, người tham quan sẽ được nhìn ngắm các nhạc cụ, đeo tai nghe để cảm nhận âm thanh từ nhạc cụ. Bảo tàng sẽ tăng tính tương tác tuyệt đối với mùi khói bếp, hương thơm của núi rừng”, nhiếp ảnh gia người Pháp kỳ vọng về một bảo tàng hiện đại và “không hời hợt”. Những câu chuyện, thông tin sẽ được trình bày với 3 ngôn ngữ tiếng Việt, Anh và Pháp. Và dĩ nhiên, bảo tàng sẽ mở cửa tham quan miễn phí.
“Tôi đã đến nhiều làng để chụp hình các nhạc cụ truyền thống, ghi âm tiếng nhạc. Tôi cũng gặp già làng để ghi lại những câu chuyện cổ của người Cơ Tu và sưu tầm các điệu múa. Bản vẽ công trình cũng đã hoàn thiện. Còn bây giờ, tôi sẽ dành dụm tiền từ việc bán các tác phẩm để có kinh phí xây dựng”, Réhahn chia sẻ. Anh tỏ ý vui mừng khi nhận được sự đồng ý tư vấn về các nội dung trưng bày từ ông Trần Tấn Vịnh, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa người Cơ Tu tại Quảng Nam. Ông Vịnh cho biết luôn tâm huyết với dòng chảy văn hóa Cơ Tu nên sẵn sàng hỗ trợ.
Ông Bh’riu Liếc cho biết thêm, tại huyện đã có làng văn hóa truyền thống không khác gì một bảo tàng quy tụ những hiện vật của người Cơ Tu. Huyện đã trưng bày những thông tin, hiện vật liên quan đến người Cơ Tu trong tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt là sau năm 1930. Cùng với làng truyền thống này, bảo tàng của Réhahn đầu tư sẽ quy tụ được những hiện vật từ A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và cả phía nước bạn Lào. Tây Giang đang phát triển du lịch sinh thái, v2ăn hóa nên kỳ vọng bảo tàng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.